BÀI THI: ĐỪNG BỎ MẶC NHAU GIỮA BÃO GIÔNG

CHỦ ĐỀ: “ TÌNH NGƯỜI TRONG ĐẠI DỊCH”

BÀI THI: ĐỪNG BỎ MẶC NHAU GIỮA BÃO GIÔNG MÃ SỐ BÀI DỰ THI: VIET (20) Số lượng từ: 1709

ĐỪNG BỎ MẶC NHAU GIỮA BÃO GIÔNG

Sáng nay giữa tiết đầu tháng bảy, những khóm cúc dại trên con dốc nhỏ vào chùa đã nở những đoá hoa đầu tiên, đoá hoa báo hiệu Thu về. Con - một tiểu ni có cơ duyên lớn lên trong làn khói hương nơi cổ tự, chuông chùa trong những đêm tịch lặng cũng góp phần nuôi lớn tâm hồn con qua mấy độ xuân thì. Với con, đạo Phật thật hiền thật đẹp, đẹp theo cách giản dị, chân phương.  Cũng bởi lẽ… Nơi đây quá đỗi bình an, mà nhân gian thường nghĩ rằng nhà chùa chỉ là nơi chứa đựng mấy lời kinh tiếng mõ, sống cùng vài pho tượng Phật vô hồn, hay đôi khi là hình ảnh mấy chú tiểu quét lá đa mà người xưa hay ví von "con sãi ở chùa thì quét lá đa". Vànghĩ rằng, mấy vị đầu tròn áo vuông ấy cũng chỉ quanh quẩn nơi chốn già lam, an nhàn sống qua một đời, mặc kệ tuế nguyệt phong sương chốn nhân gian. Nhưng mấy ai hay rằng..... Vào thời đất nước còn đang nhỏ lệ vì chiến tranh, đã biết bao vị "cởi cà sa khoác chiến bào", kề vai sát cánh cùng những đau thương của dân tộc, quyết tâm diệt giặc đem lại hoà bình cho đất nước. Đến hôm nay, vào thời bình thì nhân loại lại phải gồng mình lên chống chọi cùng đại dịch mang tên Covid 19. Gần đây nhất, đại dịch một lần nữa quay lại và thành phố mang tên Bác bị ảnh hưởng một cách nặng nề, và rồi những bóng áo nâu đã bên cạnh đau thương ấy một cách thật âm thầm. Ánh mắt hiền, đôi tay ấm, đôi chân vững chãi không ngại khó khăn, để đi chung với cuộc đời qua những ngày giá lạnh. Tháng trước, cô em nhỏ của con gọi báo, em được vào tâm dịch rồi chị à. Ơ, hai chữ "được vào" làm con ngẩn ngơ một đỗi! Khi biết em tham gia công tác hậu cần ở một bệnh viện Dã Chiến nơi tuyến đầu tâm dịch, bất giác con nghĩ đến cô tiểu nhỏ nhút nhát, sợ đủ thứ trên đời, thì lấy đâu ra sự gan dạ đó?! Nhưng rồi giây phút ấy con hiểu ra, có một thứ còn đáng sợ hơn, đó là khi lòng ta hoang vu không có nổi một niệm yêu thương người. Mảnh đất dù hoang sơ nhưng luôn sẵn lòng cưu mang một hạt hoa dại chôn vào lòng đất khô cằn chờ tháng tám về nở những đóa hoa, vậy lòng người có được như đất sẵn sàng yêu thương những người xa lạ, những người chỉ một lần đi lướt qua nhau? Cũng ngày hôm ấy, con đã thấy những màu áo thật hiền, những người con đem tình người ra “thương lượng” với Phật, để hiểu rằng Phật cũng từng đi qua thế gian, cũng từng cùng nhân gian gánh chịu những nỗi đau trần thế, để có thêm dũng khí theo bước chân Ngài. Thế mới thấy, đã có một đạo Phật thật đẹp thật từ bi! Phật Giáo đã nắm thật chặt đôi tay cùng nhân sinh đi qua bao nhiêu thăng trầm. Gom góp nhiều tình thương, vun vén bao ngày tối tăm để đổi về những tháng ngày đầy nắng. Dẫu biết cuộc đời là vô thường, nhưng nỗi đau thì hoàn toàn có thật, thế nên trong những trận lũ lụt miền Trung, cũng bao chiếc áo nâu ấy lội nước ngang vai để trao cho bà con từng túi gạo, chai tương và nụ cười hiền. Mấy lần đại dịch là mấy lần Phật Giáo lại dấn thân. Những gian hàng không đồng, từng hộp cơm nghĩa tình, từng bó rau, chai nước ..... đẫm mồ hôi bao vị giữa tiết trời oi bức mùa Hạ. "Của cho không bằng cách cho", người con Phật luôn mang theo bên mình tâm niệm khiêm nhường, chỉ mong người nhận không chạnh lòng với phận đời bé nhỏ của mình. Đạo Phật luôn muốn đến với cuộc đời bằng những điều bình dị nhất, và đâu đó cũng có những bước chân tạm phải rời xa Già Lam để hỗ trợ tuyến đầu tâm dịch. Câu Kinh Vô Ngã Vị Tha không chỉ để trang điểm cho câu nói của bao vị xuất sĩ, câu Kinh ấy đã được sống và thực hành qua những chuỗi ngày của đại dịch. Nếu tình người không đủ lớn, tấm lòng không đủ bao dung, thì không bao giờ những người con Phật lại làm được những chuyện mang tính chất đánh đổi đầy nguy hiểm đến vậy. Dẫu rằng có những lúc nhân sinh lại trả ơn những vị ấy bằng ánh nhìn thật lạnh, câu nói thật đau, chỉ vì lỗi lầm của một cá nhân nào đấy, ngẫm lại thấy cũng buồn. Nhưng rồi, những người con của Phật vẫn âm thầm nuôi lớn tình thương cho nhân loại, bởi lẽ với tình thương thì không bao giờ có quan niệm đây là lần cuối. Cũng như Phật thuở xưa, đã đi qua những gian khổ của hồng trần, bao nóng lạnh của lòng người, nhưng vẫn đem ánh mắt hiền từ đầy xót thương để nhìn lại nhân sinh. Con tin có những sự hy sinh, dù có vỡ ra từng mảnh nhỏ thì cũng là một sự hy sinh. Có những yêu thương dù mang hình hài gì thì bản chất vẫn là yêu thương. Con tin rằng, chưa một ai đi có thể đi qua hết nhân gian này trọn vẹn, nếu chỉ với một trái tim giá lạnh. Dạo này con thấy thương Sài Gòn lắm, nơi đây là nơi bắt đầu và thực hiện ước mơ của bao phận đời, khi đại dịch ghé ngang, tất cả như dần dập tắt. Mọi người có nhận ra dù có khó khăn như thế nào, Sài Gòn vẫn kiên cường có phải không? Lý do không nằm ở sự kiêu hãnh của Thành Phố với những tòa cao ốc chồng chất lên nhau bất khả xâm phạm. Điều quan trọng nằm ở trái tim muốn tự chữa lành, không muốn làm gánh nặng của những người mình yêu thương. Bởi Sài Gòn biết, mọi người xung quanh đã có quá nhiều thứ phải lo lắng rồi, nên dù có đau, thành phố vẫn nói “Không sao”! Thế mới thấy, trong chúng ta không ai dám khẳng định rằng: Tôi không hề có nỗi đau đang ngự trị bên trong. Nhưng rồi, những nỗi đau ấy tựa vào nhau, cùng nhau vượt qua, biến khổ đau thành những sắc màu của hạnh phúc, của yêu thương và cả từ bi. Chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng khoảng cách từ trái tim đến trái tim lại ngày càng gần hơn bao giờ hết. Con đã thấy bao hình ảnh thật đẹp giữa đại dịch, dưới những khu Bệnh Viện Dã Chiến, họ đã hát cho nhau nghe, cười cùng nhau, khóc cùng nhau. Bao bạn trẻ thôi không mải mê chìm vào thế giới ảo của game thủ, mà thay vào đó là những chiếc áo xanh tình nguyện, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Người biết không? Tình thương sẽ thắp lên ngọn lửa và làm lòng người ấm lại. Và đâu đó, mọi người đã cùng nhau thắp lên ngọn lửa của sự yêu thương, ngọn lửa đang bị thách thức trong xã hội dần phát triển, nơi mà lòng tin yêu của con người đang dần lụi tắt. Dù sao cũng nên nói lời cảm ơn. Cảm ơn đại dịch đã đánh thức trái tim yêu thương mà bấy lâu nay ngủ quên trong lòng của mỗi người, cảm ơn đại dịch để cái tình giữa người với người gần nhau hơn bao giờ hết, dù là bậc xuất sĩ hay lãng khách hồng trần, và cũng cảm ơn một Sài Gòn đã kiên cường như thế. Cuối cùng thì đại dịch giúp ta nhận ra rằng, thứ ta mang theo qua những tháng ngày chốn nhân gian, chỉ là hơi ấm của tình người, hơi ấm của sự bao dung, thứ hơi ấm duy nhất mang theo mà ko bị gió sương cuộc đời làm nguội lạnh Sài gòn à! Mau khoẻ lại, để những chiến binh thầm lặng còn về nhà ăn bữa cơm cùng gia đình, để anh chiến sĩ gặp mặt cô con gái đầu lòng, cô y tá về thắp nén nhang đầu tiên cho Mẹ. Sài Gòn mau khoẻ nhé, để cụ ông bán vé số, mấy em nhỏ lang thang vốn đã thiếu thốn nay lại thêm cơ hàn, không còn phải u sầu lo từng bữa cơm bữa cháo. Sài Gòn à! Đừng ngủ say quá nha! Thế là một mùa Vu Lan nữa lại về trong lặng lẽ, về trong những ngày lòng người ai cũng chông chênh. “Chắc mùa Vu Lan này sẽ buồn lắm Khi ngoài kia bão tố cứ tơi bời” Có một điều chắc chắn rằng, đoá hồng vàng sẽ không còn cài lên chiếc huỳnh y của bao bậc xuất sĩ, bởi huỳnh y ấy đang được thay bằng những màu áo xanh, áo trắng nơi bệnh viện, hay các bếp ăn, và cả những khu cách ly, phong tỏa. Nhưng những đóa hồng ấy, luôn hiện diện và cài một cách cẩn trọng trong trái tim quý Ngài. Đoá hoa như một lời tri ân đến hai đấng song thân, và đâu đó là sự hy vọng về một Việt Nam chóng khoẻ. Khó khăn vẫn còn đó, nguy hiểm vẫn chưa rời đi và đôi vai của những chiến binh thầm lặng vẫn ngày một nặng thêm. Nhưng con tin vào Việt Nam, vào Sài Gòn một ngày mai tươi sáng. Một Thành Phố rồi sẽ lại đẹp lên như đã vinh dự mang trên mình cái tên của Bác: Thành Phố HỒ CHÍ MINH. Sài Gòn - Thành Phố hơn 10 triệu trái tim ở đó, đêm nay có được bao nhiêu trái tim sẽ ngủ thật an?

Thích Nữ Tuệ Hiếu

Download Android Download iOS
Vĩnh Long: Lãnh đạo GHPGVN viếng tang và trao Giáo chỉ Truy Phong HT. Thích Phước Hạnh

PSO - Chiều ngày 17/4/2024, chư Tôn đức HĐCM HĐTS đã trở về chùa Phật Ngọc Xá Lợi -Tp.Vĩnh Long viếng tang và tuyên quyết định truy phong lên hàng giáo phẩm Hoà thượng cho cố TT. Thích Phước Hạnh uỷ viên HĐTS, Phó trưởng ban TT BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long.

Tấm lòng của Cỏ

Trong Ngày hội Tình nguyện quốc gia vừa rồi, Long An có 2 cá nhân được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen. Trong đó, có Đại đức Thích An Nhất - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Cỏ Bốn Lá (Cỏ) - tập thể được khen thưởng nhiều lần trước đó.

Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online