BÀI THI: VU LAN TRẮNG

BÀI THI: VU LAN TRẮNG

MÃ SỐ BÀI DỰ THI: VIET (27) Số lượng từ: 1806 

VU LAN TRẮNG

Thế giới bao la, vạn vật vô thường, mỗi ngày lướt qua, đều có hội ngộvà cả chia ly, sự luân chuyển này dài vô tận. Vẫn biết quá khứ là một nét đẹp không thể mất cũng chẳng thể lưu giữ, nhưng nỗi đau này cứ âm ỉ mãi chẳng nguôi. Thoắt cái mùa Vu Lan nữa lại về, lại khiến tôi nhớ về hình bóng song thân. Nhưng có lẽ Vu Lan năm nay, tôi chỉ có thể mặc niệm trong lòng. Ngày đó, tôi ngồi cạnh Ba cầm lấy bàn tay gầy guộc trơ xương, ba đã hao mòn thân thể sau bao ngày chiến đấu với bệnh tật, đến lúc không gượng nổi nữa thì thuận theo lẽ vô thường. Từ lúc bệnh cho đến khi mất, tinh thần Ba vẫn lạc quan, chỉ có tôi không làm chủ được mình, loạng choạng trong vô thức... dù cho học thuyết Vô Thường đã học rõ nói rành, nhưng khi đối diện sanh ly tử biệt với người chí thân, vẫn thấy lòng nát, dạ tan đến vậy.... Mùa Vu Lan trước, chỉ có Má đến thăm con trong một buổi trưa đầy nắng, nhìn dáng bà lẻ loi, chợt thấy chạnh lòng. Má bảo “để tui ở nhà một hai năm nữa, rồi về chùa ở với cô luôn”. Nghe vậy, con vui trong lòng lắm! Nhưng rồi, trong một đêm sương lạnh, trong không gian trầm lắng, tôi nghe giọng hớt hải của người Chị qua điện thoại: “Má..Má.. bị tai nạn rồi.......???” .......! Sáng hôm sau, Má mất. Tháng 8, Trăng bỗng mờ! Trời bỗng nhạt...! Lại một lần nữa, tôi ngồi bên cạnh, tay Má trong tay tôi từ từ buông lơi, lạnh băng.... Phật ơi! Làm sao con có thể chịu thêm nỗi bi thương này....! Vu Lan năm nay lại về, một mùa Vu Lan đặc biệt. Liên tiếp con mất đi hai người thân thương nhất. “Sanh Tử sự đại” đời người tựu trung chỉ có hai việc lớn, cuối cùng thì Ba Má đã hoàn thành rồi. Có phải khi không còn Ba Má trên đời, người ta sẽ gọi là “Vu Lan trắng”?! Ba Má có biết không? Vu Lan năm nay, không chỉ là “Vu Lan trắng” với thân phận mồ côi như con, không chỉ gói gọn sự mất mát của riêng ai mà là nỗi đau chung của toàn nhân loại đó ạ! Đất nước mình cũng không nằm ngoài nỗi đau ấy. Một loại dịch bệnh nguy hiểm nhất từ trước đến nay, có thể lây nhiễm bất cứ ai nếu vô tình tiếp xúc, người ta gọi là dịch Covid 19. Tình hình dịch bệnh hiện đang rất căng ở Miền Nam, nhất là Sài Gòn. Sự mất mát, đau thương, đói khổ len lỏi từng nhà, từng ngõ. Đã có một số người buộc phải hoàn thành việc lớn ở chặng đường cuối đời người trong thinh lặng, linh cửu không người thân, đạo tỳ không ai tiễn, hoả thiêu trong chờ đợi lặng thầm. Người thân bằng hữu chỉ biết cúi lạy từ xa, người quen kẻ lạ vẫy tay chào bằng những cái Like trên màn hình điện thoại, nước mắt chảy ngược vào trong. Nỗi buồn vương vãi, phủ đầy lối đi không một bóng người. Ngày trước con từng nghĩ, nếu mình kiên cường sẽ vượt qua hết mọi đau thương, bây giờ mới hiểu, có thể buông xuống mới thật sự thanh thản. Chấp nhận vô thường, thẩm thấu sự mất mát chia ly, con thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều người, vì đã được bên cạnh để tiễn đưa Ba Má ở chặng đường cuối. Con biết, tuy nhà mình không dư dả gì, nhưng Ba Má rất yêu thương và thường hay chia ngọt sẻ bùi với người xung quanh, con sẽ là sự tiếp nối trên con đường sẻ chia đó. Ba Má biết không? Lạ lắm, thường ngày mọi người hay giận những chuyện không đâu, nói nhau nghe những điều vô ích, nhưng khi đất nước gặp nạn thì lại rất quan tâm nhau. Họ thương yêu bằng cả chân tình, thậm chí có người còn hy sinh lợi ích riêng và cả tính mạng của mình nữa. Nhiều người phải rời xa gia đình nhiều tháng qua để chiến đấu với tử thần, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Con kính trọng gọi những người ấy là “chiến binh thầm lặng”. Trong cuộc chiến này, họ đã bao đêm không ngủ, gồng mình chịu đựng trong bộ đồ bảo hộ dưới cái nóng gay gắt, oi bức của mùa hè. Tay người đã nhăn bởi mồ hôi ướt sũng. Mặt người đã hằn vì lớp lớp khẩu trang chằng chịt. Vậy mà họ còn phải bớt ăn, nhịn uống chỉ để không phải đào thải quá nhiều. Tất cả những điều đó, cốt yếu để bảo vệ bản thân không bị nhiễm bệnh, vì nếu họ bị nhiễm, thì làm sao lo cho người khác...! Nhiều người đã rất nhớ con, nhớ vợ, nhớ gia đình nhưng không được phép về thăm, vì tất cả thời gian của họ phải chạy đua với sinh mệnh, là thời gian mà cửa tử và sanh chỉ cách nhau mỏng như sợi chỉ.... Thắt dạ nào bằng, chua xót nào hơn! Lại có người từ lâu cắt ái ly gia như con gái của Ba Má, cũng đã gác áo Cà Sa khoác Blouse trắng, gắn bó sinh tử cùng những nạn nhân không may bị nhiễm bệnh. Lòng người đã không còn đặt vào sự riêng tư nữa, mà lấy mạng sống của mình hoà vào sự sống của người khác rồi. Còn có những người, đêm cũng như ngày, đối diện với trời và đất, canh giữ những chốt trạm, có thể bị nắng thiêu da, có thể bị mưa dầm ướt đẫm. Nhiều người khác phải rong ruổi khắp các tuyến đường ngõ ngách, để giữ cho người dân an toàn trong “vùng xanh”, con ngưỡng mộ gọi họ là “Dũng sĩ”. Những dũng sĩ ấy đã và đang làm như thế, đôi khi phải đối diện với sự bất hợp tác, gây rối, hay chưởi bới vô tội vạ của một vài cá nhân thiếu ý thức. Điều đó không khiến họ thối chí, dù có chút buồn hay mệt. Hơn bao giờ hết, họ mong “Ý thức cũng là một loại kháng thể” được phát huy mạnh mẽ trong tình hình hiện tại. Có vài phút giây trống vắng, những dũng sĩ đó cũng bất chợt nhớ về người thân, nỗi nhớ đau đáu chỉ biết lặng im, hay nhín chút thời gian trở về, đứng từ xa, len lén nhìn đứa con thơ, nhìn gia đình êm ấm của mình chốc lát rồi lủi thủi rời đi....Ai thấu.....? Không phải vì khó khăn mà chùn bước, không vì những lời chỉ trích mà buông tay. Họ đều quả quyết, cương nghị như tùng bách hiên ngang thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình. Dọc dài theo đất nước, trong hoàn cảnh này, đâu đâu cũng thấy ân tình. Những bàn tay chìa ra, đỡ lấy những người hoạn nạn, dù chỉ một ổ bánh mì, một hộp cơm, đến những siêu thị 0 đồng, những ATM gạo rải rác khắp nơi, rồi những mạnh thường quân ủng hộ Vacxin, sự chung tay của từng cá nhân, và cả chính quyền các nơi chạy nước rút để tầm soát, kiểm dịch.... thấy ấm áp đến nghẹn lòng. Ba Má biết không? Ngồi một chỗ là yêu nước! Là khẩu hiệu nhưng cũng đồng nghĩa chấp nhận khó khăn, thiếu thốn, vì có như thế thì dịch bệnh mới không lây lan nhiều hơn. Chính vì vậy, thứ không thể thiếu lúc này là lương thực, bây giờ con mới cảm nhận sâu sắc rằng, đôi khi Tiền bạc còn không có giá trị bằng bó rau, cọng cải. Con Ba Má là “lão nông” nay được lên ngôi rồi và “lão nông” trên khắp đất nước cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ở quê mình, tuy nghèo nhưng bà con sống rất tình nghĩa. Mọi người đều chung tay, vườn ai có gì hái nấy, tiện thể hái phụ luôn vườn kế bên, tập kết lại để gởi vào Sài Gòn và những khu vực lân cận bị cách ly. Nghe nói Sả có nhiều công hiệu trong việc tăng kháng thể, nên giá thành cao hơn bình thường, may là Thiền thất con trồng rất nhiều nên có cái để đóng góp chung cho chuyến xe nghĩa tình. Gom góp mỗi nhà mỗi ít là thế, mà cũng được mười mấy chuyến xe rau củ, Ba Má có vui không? Con có nghe câu nói rất hay “Thêu hoa trên gấm không ai nhớ, giúp người hoạn nạn tình nghĩa sâu”. Trong cái vòng tròn luẩn quẩn này, thì ra chỉ có tình người mới là sự vĩnh cữu. Vu Lan năm nay, Chùa mình cũng không tổ chức như thường niên nữa vì dịch. Mỗi người, mỗi chùa, ai ở đâu ở yên đó, đồng trì Kinh cầu nguyện. Con ở nơi đây, cũng hòa cùng đại chúng một lòng trì niệm, nguyện cho Ba Má ở thế giới ấy an vui, “kẻ âm được siêu, người dương được thới”. Đồng nguyện những “chiến binh thầm lặng”, những “dũng sĩ”, những ai mang “tình người” đến nơi cần san sẻ, và tát cả chúng sanh vạn loại được thân tâm thường lạc, trí đức thường minh. Ngoài sân, màn đêm phủ kín. Sương xuống, trời thấm lạnh. Tiếng cuốc kêu đêm đã bắt đầu hồi cuối cùng, Tiếng gà gáy canh lại bắt đầu ngân... Phút cuối của đêm dài sẽ là ánh nắng của sớm mai. Ngày mới lại đến rồi, chuyến xe yêu thương lại bắt đầu lăn bánh. Sáng nay đọc Báo, thấy lòng ấm, ánh mắt reo vui theo dòng chữ “Hàng ngàn bệnh nhân Covid 19 đã được xuất viện...”. Hy vọng trong con bỗng bừng sáng. Con biết! Ngay lúc này đây, máu và nước mắt của tất cả nhân dân ta đã hoà làm một, như tình yêu vô bờ mà người làm Ba làm Má trên thế giới này đã dành cho con của mình, không một ngôn từ hoa mỹ nào có thể diễn tả được. Chính nó là điều mấu chốt tạo nên sự thành công của Việt Nam trong trận chiến chống dịch này. Con tin, rồi Việt Nam mình sẽ chiến thắng, như tin vào tình yêu thương mà cả đời Ba Má đã dành cho con vậy. https://www.youtube.com/watch?v=XavECyU6sT0&list=PL-KxvjUbLY1p-VOVlFUsEfDgRl1VKibRt&index=13
Download Android Download iOS
Vĩnh Long: Lãnh đạo GHPGVN viếng tang và trao Giáo chỉ Truy Phong HT. Thích Phước Hạnh

PSO - Chiều ngày 17/4/2024, chư Tôn đức HĐCM HĐTS đã trở về chùa Phật Ngọc Xá Lợi -Tp.Vĩnh Long viếng tang và tuyên quyết định truy phong lên hàng giáo phẩm Hoà thượng cho cố TT. Thích Phước Hạnh uỷ viên HĐTS, Phó trưởng ban TT BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long.

Tấm lòng của Cỏ

Trong Ngày hội Tình nguyện quốc gia vừa rồi, Long An có 2 cá nhân được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen. Trong đó, có Đại đức Thích An Nhất - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Cỏ Bốn Lá (Cỏ) - tập thể được khen thưởng nhiều lần trước đó.

Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online