01/01/2018 07:00

Bạn trẻ nói "Tết là để quay về" - Đời sống quanh ta

GNO - Dù bận bịu công việc, hay tài chính có hẹn hẹp, nhưng gạt qua những khó khăn đó, họ - những người con làm ăn xa xứ, hay lấy chồng xa vẫn cố gắng sắp xếp, vun vén để về với người thân, người thương đón Tết. Tết, không chỉ là thời gian các thành viên gia đình dành cho nhau, mà còn là cơ hội để những người con thể hiện tình cảm của mình với cha mẹ, bởi vì thời gian trôi qua rất nhanh, có những khoảnh khắc yêu thương cần được lưu lại, giữ gìn...

1.Tet.jpg Khi hoa vạn thọ trổ bông nở vàng khắp cánh đồng cũng là lúc người người nôn nao đón Tết sum họp - Ảnh Như Danh

1. Với ý niệm mặc định “Tết là phải về với gia đình”, từ tháng 10, Khánh Ly đã ứng tiền lương, để đặt vé máy bay từ Sài Gòn về Huế. Những ngày đầu tháng Chạp, bạn bắt đầu đếm từng ngày. Khánh Ly lạc quan cho biết: “Mình mới vào Sài Gòn làm việc được một năm, tiền tích lũy không nhiều nhưng vẫn cố gắng gói ghém để về với mẹ. Mặc dù chỉ đủ biếu mẹ vài trăm nghìn ngày Tết, nhưng mình biết, dù con biếu bao nhiêu mẹ cũng vui; chỉ cần con về sum họp, với mẹ đã là hạnh phúc nhất rồi. Biết như vậy, nên dù ngày Tết công việc ở công ty rất nhiều, cơ hội kiếm tiền ngày Tết cũng tương đối nhưng mình đã bỏ qua tất cả để về nhà đón Tết với mẹ”. Nhắc đến về nhà, bạn nôn nao: “Tối 28 bay về cái là sáng 29 đi chợ với mẹ mua đồ nấu nướng cúng tất niên. Tới 30 thì dọn dẹp lau chùi nhà cửa, chở mẹ đi Huế một vòng ngắm phố phường, chợ hoa. Tối đó phụ mẹ nấu chè, xôi, ngồi xem táo quân chờ tới 0g, phụ mẹ bưng đồ ra cúng giao thừa. Nghĩ đến đây thôi là lòng đã thấy Tết rồi”. Nhoẽn miệng cười tươi, Khánh Ly “bật mí” thêm: “Năm nào cũng vậy, ngày mùng một hoặc mùng hai là mình chở mẹ đi chùa ở tượng Phật đứng, ở tháp hương. Quanh năm ở TP.HCM làm việc, ăn toàn cơm “bụi” nên Tết về nhà, được ăn cơm mẹ nấu, ăn bánh Huế thì không còn gì bằng. Mẹ nấu ăn, mình không nêm ngon bằng mẹ, cứ đi theo kè kè kế bên để phụ, những việc nhỏ thôi như nhặt rau, dầm ớt, vo gạo nấu cơm, nấu ấm nước cũng đủ làm cho mình hạnh phúc. Tết chỉ cần được ở bên mẹ, dù là đi đâu hay làm gì, thì cũng là những giây phút bình yên nhất”.

2.KhanhLy.jpg Sáng sớm mùng 1 Khánh Ly và mẹ lên chùa đón Tết  - ảnh NVC

2. Mặc dù nhà ở Cần Giờ, cách TP.HCM chỉ hơn 2 giờ đi xe máy, nhưng ngày Tết đến gần, bạn Thúy An cũng nôn nao, để về với mẹ. An nói: “Nói thật là ngày nhỏ mình chỉ mong lớn lên để được bay nhảy ra khỏi gia đình, được làm những điều mình muốn. Khi lớn dần mình nhận ra rằng những khoảnh khắc vác cái ba lô vượt mấy chục cây số về bên gia đình lại là một niềm vui không tả”. Trong cảm xúc đó, bạn trải lòng: “Tết với mình không có màu hồng như trong clip quảng cáo, mà theo vì cam đoan 100% mình sẽ nghe mẹ càm ràm suốt ngày với một đống công việc từ lau dọn, đi chợ, mua sắm, nấu ăn… Đôi khi mình cũng tự hỏi đang yên đang lành tại sao lại có Tết. Mẹ là người rất cầu toàn, ngày thường với mẹ đã phải hoàn hảo, huống gì là Tết. Thế là sẽ có một đứa con gái chay loanh quanh từ sáng đến tối, không phải một ngày mà ít nhất 3 ngày. Lúc đó chỉ ước gì thôi khỏi ăn Tết. Nhưng bao nhiêu năm rồi vẫn thế, cứ cái thời khắc giao thừa điểm trên cái truyền hình. Cả căn nhà rộng chỉ có hai mẹ con với nhau, cùng nhau bày biện để cúng rước ông bà. Và mình cũng chẳng nhớ từ lúc nào mình thôi không còn trốn đi chơi đêm giao thừa với đám bạn”. An nói, cũng không biết tại sao thời khắc đó mình thích nhìn mẹ nhiều hơn, tóc mẹ ít dần, bạc nhiều hơn và nay mẹ không thể bước lên cái ghế cao mà thấp nhang cho ông bà. “Những lúc như thế chỉ mong thời gian có thể ngừng lại, để mãi được về ăn Tết với mẹ”. Do vậy, ngày 25 tháng Chạp, vừa kết thúc công việc ở Sài Gòn, Thúy An liền vác ba lô, lái xe để về nhà, cùng mẹ chuẩn bị cho ngày Tết yêu thương. 3. Từ ngày 23 tháng Chạp, khi học trò chuẩn bị nghỉ Tết, cô Nghĩa, giáo viên Trường Mầm non tư thục Mai Anh (phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cũng chộn rộn. Cô bảo: “Năm nào cũng vậy, cứ đến giữa tháng Chạp khi mà nhà nhà rộn ràng chuẩn bị đón một mùa xuân mới thì ước muốn “về nhà ăn Tết” lại trào dâng trong tôi. Tôi lập gia đình đã 10 năm, nhà chồng cách nhà mẹ đẻ ngoài 200 cây số, vì thế hàng năm số lần về thăm nhà của tôi đếm trên đầu ngón tay. Mọi năm tôi đều đón năm mới cùng với gia đình chồng, sau Tết mới về thăm mẹ. Năm nay vợ chồng tôi quyết định sau khi con cái được nghỉ Tết gia đình tôi sẽ về ngoại chuẩn bị ăn Tết với ông bà. Cứ nghĩ đến đó lòng tôi không khỏi nôn nao”.

3.co Nghia.jpg Chuẩn bị đến ngày Tết, cô Nghĩa sắp xếp chu toàn công việc nhà chồng để về đón Tết với ba mẹ ruột - ảnh: NVCC

Mỗi người đều có quê hương, và nơi đó luôn có nhiều kỷ niệm đẹp để bất cứ ai cũng muốn quay về, cô Nghĩa cũng vậỵ. Cô kể say sưa: “Tết mỗi nơi đều mang hương vị đặc trưng riêng, nhưng Tết miền Tây, nơi tôi sinh ra và lớn lên là Tết tuyệt vời nhất. Gần Tết, nhà nào các bà, các cô cũng làm mứt: mứt dừa, mứt bí, mứt cà… rồi thì ngâm cải chua, củ kiệu...”. Ngày chưa đi lấy chồng, mấy ngày giáp Tết là tôi cùng ba dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, bàn ghế; giặt lại mấy tấm màn cửa, cắt hoa vạn thọ ba trồng vô chưng lên bàn thờ ông bà. Trong giai đoạn chuẩn bị đón Tết, việc tôi thích làm nhất là tưới nước cho cây mai trước sân đã được hái là từ hôm mùng 10, mỗi ngày nhìn những nụ hoa lớn dần như sự lớn dần của nỗi mong Tết thật sự trong lòng rất vui. Giờ ba mẹ tôi cũng đã lớn tuổi, không còn tất bật với cái tết như xưa nữa, chúng tôi cũng không còn háo hức mong chờ tấm áo mới mẹ mua mỗi dịp xuân sang nhưng cảm giác nôn nao được thức đón giao thừa với ba mẹ, được cùng cả nhà chào đón một năm mới bình an, hạnh phúc thật sự chưa bao giờ vơi đi trong tôi”. Nói đến đây, khóe mắt cô bắt đầu rưng rưng, ngước nhìn chúng tôi, cô bảo: “Tết là phải về nhà. Cố gắng sắp xếp thời gian trở về bên người thương; ba mẹ chồng hay ba mẹ ruột, ai cũng cần có Tết, nhở”. Không phải ngẫu nhiên nhiều người nói, ở đâu có mẹ, ở đó là nhà. Có mẹ, mâm cơm luôn nhiều món, món nào cũng thơm ngon, không phải vì cao sang, mà là đúng khẩu vị. Và, cũng vì nhà có mẹ mà những người con làm ăn hay lấy chồng xa xứ, dù là người trẻ hay đã có tuổi, đến ngày giáp Tết lại nôn nao, mong ngóng ngày nghỉ đến thật gần để được về nhà, đón Tết sum họp bên gia đình. Như một thông điệp muốn sẻ chia, khi bạn có nhà và nhà còn có người thân, người thương - Tết, hãy cố gắng sắp xếp, để quay về.
Tại sao nên về quê đón Tết cùng gia đình?   Tết là dịp những người con xa xứ muốn tìm về với quê hương, nguồn cội. Về với quê hương ngày Tết sẽ tiếp thêm sinh khí cho căn nhà của mình, làm ấm lòng mẹ cha. Với những người trẻ đã lập gia đình và có con cái thì việc về quê đón Tết còn giúp cho con cháu gắn kết với ông bà hơn, tình thương yêu giữa họ được nuôi dưỡng và lớn thêm lên.   Về quê ngày Tết với người trưởng thành còn là cơ hội để tìm lại những dư âm, thưởng thức những hương vị đậm đà quê hương mà một thời mình đã nếm trải; với trẻ nhỏ thì đây chính là dịp để các em trải nghiệm cuộc sống ở vùng quê, để các em biết đến nguồn cội, hiểu thêm các phong tục, tập quán của cha ông, giáo dục các em về sự hiếu kính và giúp các em cảm nhận được sự thiêng liêng của tình thân trong gia đình.   Dù rằng cuộc sống có nhiều mối lo toan, đôi khi gánh nặng tài chính cũng khiến cho không ít người phải ái ngại khi về quê đón Tết. Song, những giá trị tinh thần và tâm linh mà chúng ta có được khi về quê đón Tết là vô cùng quý giá. Thời gian không quay trở lại, không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Vì thế, mọi người nên về quê đón Tết, đừng để lỡ mất cơ hội gắn kết tình thân, thể hiện tình cảm của mình với cha mẹ, người thân.   ThS. Hoàng Minh Phú, Trưởng bộ môn Tâm lý học Trường Đại học Công nghệ TP.HCM

Khánh Vy

Nguồn: www.giacngo.vn
Download Android Download iOS
TP.HCM: Tưởng niệm 11 năm Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Nhơn viên tịch

Sáng 22/4 (14/3 Giáp Thìn), Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trang nghiêm tưởng niệm húy nhật lần thứ 11 Trưởng lão HT.Thích Từ Nhơn, Thành viên HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, trụ trì Việt Nam Quốc Tự (quận 10).

Hải Phòng: Chương trình Vườn Ươm tặng 768 đầu sách tại chùa Linh Quang

PSO - Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc sách.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online