Hà Nội: Lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc tổng kết năm học thứ nhất và khai giảng năm học thứ hai

PSO - Chiều ngày 15/09/2019, nhằm ngày 17 tháng 08 năm Kỷ Hợi, tại chùa Vạn Phúc - thôn Đoài - xã Phù Lỗ - huyện Sóc Sơn - Hà Nội, Phân ban đào tạo giảng sư trực thuộc Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN đã tổ chức lễ tổng kết năm học thứ nhất (2018 – 2019) và khai giảng năm học thứ hai (2019 – 2020) của lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc.


Chứng minh buổi lễ có: Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng toạ Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế TƯ GHPGVN; Hoà thượng Thích Thanh Giác - Uỷ viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN; Thượng toạ Thích Minh Nhẫn - Uỷ viên HĐTS, Phó trưởng Ban kiêm Chánh thư ký Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN, Tổ trưởng Tổ thông tin tuyên truyền, báo chí Văn phòng TƯ Giáo hội; Thượng toạ Thích Chiếu Tuệ - Uỷ viên HĐTS, Phó trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng Phân ban đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc cùng chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp TƯ, Ban Hoằng pháp các tỉnh thành khu vực phía Bắc. Ngoài ra còn có sự hiện diện của đông đảo Phật tử trong Ban liên chúng Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.

Được biết, lớp đào tạo Giảng sư cơ sở chùa Vạn Phúc là lớp đầu tiên được tổ chức nhằm đào tạo ra những giảng sư hoằng pháp cho khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, do nhận được sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của chư tôn đức lãnh đạo TƯ Giáo hội, Ban Hoằng pháp TƯ, cho nên sau một năm hoạt động, lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc đã đạt được nhiều thành tựu cả về mặt lượng và chất.

Các em thanh thiếu niên dâng hoa cúng dàng Tam Bảo

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Giác chia sẻ “Thành tựu đáng ghi nhận nhất sau một năm qua là Ban điều hành đã từng bước khắc phục khó khăn tồn tại, mạnh dạn đổi mới, đột phá chương trình công tác đào tạo; Bước đầu trang bị cho các vị Tăng Ni giảng sinh theo học những kiến thức, kỹ năng cơ bản và cần thiết của một vị giảng sư; bổ túc những kiến thức, kinh nghiệm sư phạm, hoằng pháp; hệ thống hóa kiến thức cốt lõi Phật giáo Nguyên thủy – Bộ phái – Đại thừa một cách đơn giản, thống nhất, làm cơ sở y cứ giáo lý; chú trọng việc thực hành; triển khai các môn học Phật pháp ứng dụng; nói chuyện chuyên đề với nhiều chuyên môn khác nhau liên quan đến lĩnh vực giảng sư hoằng pháp. Tất cả những thành công này, thực sự là nền tảng, tạo thế và lực mới để năm học mới 2019 – 2020, đặc biệt tạo niềm tin, động lực cho chư tôn đức Ban điều hành, chư tôn đức giảng sư tiếp tục cống hiến, hoàn thành mục tiêu đào tạo các năm kế tiếp”.

Ngày 16/10/2018 (tức ngày 08/09/Mậu Tuất), Phân ban đào tạo giảng sư trực thuộc Ban hoằng pháp TƯ đã tổ chức khai giảng “Lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc” tại chùa Vạn Phúc với mục đích đào tạo ra những vị Tăng Ni có trình độ về Phật học, có năng lực, kĩ năng, phương pháp giảng dạy và hoằng pháp; Từ đó cung cấp đội ngũ giảng sư có chất lượng cho ngành hoằng pháp các tỉnh thành khu vực phía Bắc, nhằm thúc đẩy sự nghiệp Hoằng pháp của Giáo hội trong thời đại mới.

Trong bản báo cáo tổng kết công tác đào tạo trong năm vừa qua, Đại đức Thích Trí Thuần đã thay mặt Ban điều hành nêu rõ: Đối tượng tuyển sinh là Tăng Ni sinh tốt nghiệp Học viện, Cao đẳng Phật học thuộc 17 tỉnh thành khu vực phía Bắc. Tổng số Tăng Ni sinh đăng danh theo học là 159 vị.

Chư tôn đức giảng sư và các giảng viên tham gia giảng dạy tại lớp đào tạo đều là những vị có trình độ, năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Ngoài ra còn có sự tham gia nói chuyện chuyên đề của chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, các Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ, giảng viên các trường Đại học, các nhà nghiên cứu có uy tín ở các lĩnh vực có liên quan đến công tác hoằng pháp.

Trong năm học thứ nhất đã hoàn thành 9 môn học và 13 chuyên đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tổng số tiết học chương trình đào tạo năm thứ nhất là 424 tiết, trong đó 180 tiết học chính chiếm 42%, 140 tiết thực hành chiếm 33%, 104 tiết nói chuyện chuyên đề chiếm 25%.

Điều đặc biệt tại lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc đó là văn phòng đào tạo điều chỉnh các môn học phù hợp với đối tượng, tăng tính tương tác môn học, xây dựng các phương pháp học nhóm, thực hành nhóm, chú trọng phương pháp thực hành các môn học và thực hành thuyết giảng; không nặng về tính hàn lâm, xác định mục tiêu học để tu, học để phục vụ sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, học đạt được kết quả thực chất. Kết quả của các môn thi không chỉ đơn giản là điểm trên các bài thi. Năng lực của mỗi vị Tăng Ni giảng sinh trong mỗi môn học còn được đánh giá qua các buổi thực hành, sự tự đánh giá điểm của nhóm qua phương pháp học và thực hành theo nhóm, đánh giá của các giảng viên thông qua việc học tích hợp.

Hơn nữa, nhiều môn học được thực hành, thi thực hành trong một môn học; nhiều môn học thi tích hợp trong một môn; nhiều giáo viên bộ môn khác nhau cùng đánh giá một buổi thi thực hành tích hợp, hoặc cùng chấm bài thi tích hợp với những đánh giá chuyên môn khác nhau. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm thời gian thi, chấm thi; phát triển tư duy sáng tạo, hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng tổng hợp, đánh giá đúng trình độ năng lực của các Tăng Ni giảng sinh.

Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn đã tuyên đọc quyết định khen thưởng cho 16 vị Tăng Ni giảng sinh lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc có thành tích học tập xuất sắc trong năm thứ nhất (2018 – 2019) của Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN. Chư tôn đức chứng minh đã trao tặng bằng khen và phần thưởng khích lệ tinh thần học tập của chư vị Tăng Ni giảng sinh.

Sau đó, đại diện cho Tăng Ni giảng sinh và hàng Phật tử tại gia đã đối trước chư tôn đức chứng minh dâng lời khánh tuế tri ân chư tôn đức Ban Hoằng pháp TƯ, chư tôn đức Ban điều hành lớp đào tạo giảng sư và kính chúc quý Ngài thêm một tuổi hạ nhân mùa an cư kiết hạ PL2563 vừa kết thúc.

 

Đáp lại, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã bày tỏ niềm hoan hỷ bởi chư vị Tăng Ni giảng sinh đã theo đúng luật Phật, “kính Pháp tôn nhân”, đối trước các bậc lãnh đạo Giáo hội, các bậc trưởng thượng để dâng lời khánh tuế. Theo Hòa thượng, đây là một nghi thức đặc biệt vô cùng thiêng liêng và thể hiện được truyền thống của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo phía Bắc nói riêng, để mừng tuổi của những Tăng sĩ sau 3 tháng tiến tu tam vô lậu học, tăng trưởng công đức, khác với khánh tuế của người thế gian. Đức Phật dạy rằng “Tăng bất dĩ thế tuế, duy tòng Tăng lạp” – là vị Tăng không căn cứ tuổi đời, mà tôn trọng cung kính tuổi hạ. Vì vậy, Hòa thượng đã thay mặt quý Hòa thượng, Thượng tọa chứng minh “cám ơn lòng thành của tất cả quý vị Tăng Ni giảng sinh và quý Phật tử trong lớp đào tạo Hoằng pháp viên đã có tấm lòng để chúc mừng Tăng lạp cho chúng tôi. Chúng tôi cũng xin chúc mừng Tăng lạp của quý vị, vì Tăng lạp chúng ta đều được hưởng quyền như nhau nếu chúng ta có tinh tiến tu tập, có hạ an cư. Do đó cũng xin chúc các vị thêm một tuổi hạ tăng trưởng thêm một bậc công đức, và chúc các vị tinh tấn để học hoàn thành chương trình của năm thứ hai, tinh tấn tu học để sau này trở thành những vị Tăng Ni tài cho ngành Hoằng pháp nói riêng và phục vụ GHPGVN nói chung”. Với quý Phật tử đã tham gia hộ trì cho lớp đào tạo giảng sư đang hiện diện tại nơi đây, Hòa thượng chúc đại chúng thân tâm thường an lạc, bồ đề tâm kiên cố, trí tu học vững bền để đem lại lợi ích cho bản thân và tha nhân, phục vụ cho Giáo hội và đất nước.

Ban đạo từ tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã nhấn mạnh vai trò của công tác hoằng pháp đối với mỗi vị Phật tử dù tại gia hay xuất gia: “Hoằng pháp là nhiệm vụ của mỗi vị Tỳ kheo, của Tăng Ni và cả Phật tử trong sự nghiệp hoằng truyền giáo pháp của Đức Phật để hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. GHPGVN luôn coi trọng sự nghiệp hoằng pháp. Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, sự nghiệp hoằng pháp của Giáo hội và của Tăng Ni đã đạt được nhiều kết quả hết sức khả quan và có cả chiều sâu cũng như rộng khắp không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, phục vụ bà con Việt kiều, không chỉ ở thành thị mà còn cả ở miền núi nông thôn hay hải đảo xa xôi. Có thể nói ở đâu cũng có sự hiện diện của chư tôn đức Ban Hoằng pháp TƯ làm nhiệm vụ sứ giả của Như Lai, trao truyền giáo lý trong sáng của Đức Phật đến với đông đảo đồng bào Phật tử và bà con nhân dân, đến với mọi tầng lớp trong xã hội”.

Vì lẽ đó, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII đã đề ra nhiệm vụ cho Ban Hoằng pháp TƯ đó là phải đổi mới phương thức hoằng pháp, đổi mới nội dung hoằng pháp cũng như chú trọng đến các đối tượng trong xã hội. Đó cũng chính là vận dụng học thuyết của Đức Phật về phương tiện trong khi hoằng pháp để làm sao cho giáo lý của Đức Phật phù hợp đến với từng đối tượng khác nhau trong xã hội. Yếu tố quyết định sự thành công trong công việc đến từ con người, nhân sự thực hiện công việc đó. Chính vì vậy, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã tích cực chỉ đạo cho Ban Hoằng pháp TƯ tổ chức các lớp đào tạo Hoằng pháp viên. Đối với các khu vực tỉnh thành phía Nam thì công tác đào tạo Hoằng pháp viên đạt được nhiều kết quả tốt và có nhiều kinh nghiệm. Đối với khu vực phía Bắc thì lớp tại chùa Vạn Phúc là lớp đào tạo đầu tiên. Qua bản báo cáo tổng kết, Thượng tọa vô cùng hoan hỷ trước kết quả giảng dạy và đào tạo vô cùng tốt của lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc. Qua đó thể hiện nhu cầu hết sức cần thiết của việc đào tạo các Hoằng pháp viên.

Thượng tọa nhận thấy trong bản báo cáo tổng kết của năm thứ nhất, Ban điều hành cũng đã tập trung bám sát phương hướng trong nhiệm vụ Hoằng pháp. Qua đó, Ban thường trực HĐTS GHPGVN cũng mong muốn rằng “Chư tôn đức ở đây có nhiều học vị khác nhau, từ Tiến sĩ cho tới cử nhân và tốt nghiệp ở nhiều trường đào tạo khác nhau, tuy là các học viên nhưng cũng đã có những trình độ nhất định về kiến thức Phật pháp, về giáo lý. Hơn nữa, Chư tôn đức ở đây cũng đều là những vị trụ trì các cơ sở tự viện của Giáo hội. Và mỗi một vị trụ trì đều là một người Hoằng pháp. Do đó, đến với lớp học, chúng ta tập trung chia sẻ những kinh nghiệm để làm sao trao truyền cho nhau những kinh nghiệm trong Hoằng pháp. Bởi lẽ lớp học của chúng ta không phải chỉ bồi dưỡng về mặt kiến thức mà chú trọng về kĩ năng giảng dạy, chú trọng về kĩ năng hoằng truyền giáo lý của Đức Phật vào trong đời sống. Đấy chính là mục đích cũng như nội dung vô cùng quan trọng. Mong rằng Chư tôn đức đến với lớp Hoằng pháp hãy nỗ lực để đón nhận những kinh nghiệm hoằng pháp của chư tôn đức trong Ban giảng sư đã có nhiều năm làm công tác hoằng pháp, đồng thời đã có kinh nghiệm hoằng pháp ở các vùng miền xứ sở khác nhau, từ trong nước cũng như nước ngoài. Chúng ta cũng cần phải chú trọng tới hoàn cảnh xã hội hiện nay, khi đất nước đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển, những tiến bộ công nghệ khoa học của thời đại kĩ thuật số, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì ta phải chú trọng trang bị cho mình những kiến thức của thời kỳ hoằng pháp hiện đại thông qua các phương tiện truyền thông, internet, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo.v.v… để truyền bá chính pháp một cách rộng rãi, đúng theo đường lối chính pháp và đúng theo phương hướng, hiến chương của Giáo hội. Tuy nhiên cũng phải duy trì những phương pháp truyền thống mà chư Tổ đã dày công đời đời trao truyền cho chúng ta. Có sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống thì chúng ta sẽ có được kết quả trọn vẹn trong sự nghiệp Hoằng pháp. Một điều nữa là mong rằng chư tôn đức sẽ dấn thân hơn nữa, bởi đó là quyết định sự thành công trong sự nghiệp Hoằng pháp của Giáo hội. Những vùng miền núi hay hải đảo xa xôi là những nơi rất cần sự dấn thân của các vị làm công tác hoằng pháp. Những nơi đó không có nhiều chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện. Do đó đòi hỏi sự dấn thân rất cao của chư tôn đức trong Ban hoằng pháp. Như vậy đối tượng Hoằng pháp của chúng ta sẽ có những nét đặc biệt đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng phát triển sự nghiệp Hoằng pháp độ sinh”.

Cuối cùng, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ đã phát biểu cảm tạ, khép lại buổi lễ thành tựu viên mãn trong niềm hoan hỷ của toàn thể hội chúng. Mong rằng sang năm học thứ hai, lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc sẽ đạt được nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa, sau khi kết thúc mỗi khóa học, quý vị Tăng Ni giảng sinh sẽ là những vị giảng sư trong tương lai gánh vác sứ mệnh hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.

 

Diệu Tường

                         
Download Android Download iOS
An Giang: Tổ đình Phi Lai tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch

PSO - Sáng 24/2 (tức ngày Rằm tháng 2 năm Giáp Thìn), dưới sự chủ trì của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Môn phong Tổ đình Phi Lai (An Giang) trang nghiêm tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch.

An Giang: Tổ đình Phi Lai tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch

PSO - Sáng 24/2 (tức ngày Rằm tháng 2 năm Giáp Thìn), dưới sự chủ trì của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Môn phong Tổ đình Phi Lai (An Giang) trang nghiêm tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch.

Thái Bình: Ký kết chương trình phối hợp giữa Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh

PSO - Chiều ngày 27/3/2024 (18/02/Giáp Thìn), tại trụ sở Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình giai đoạn 2024 - 2029.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online