Hải Phòng: Phật tử đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc vân tập về trụ sở BTS thành phố tham dự khoá tu "Một ngày an lạc"

PSO - Ngày 14/05/2023 (nhằm ngày 25/03 năm Quý Mão), được sự cho phép của Thường trực Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng và thực hiện Phương hướng hoạt động Phật sự của Ban Hoằng pháp GHPGVN thành phố Hải Phòng về việc tổ chức khóa tu học Phật pháp cho các Phật tử định kỳ hàng tháng, Ban Hoằng Pháp GHPGVN thành phố đã phối hợp cùng Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc tổ chức khoá tu "Một ngày an lạc" tại chùa Nam Hải (Trụ sở BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng) với sự tham dự của hơn 1.500 Phật tử đang tu học tại các đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.  Quang lâm chứng minh tham dự buổi lễ khai mạc "Khoá tu một ngày an lạc" có sự hiện diện của HT. Thích Quang Nhuận – Thành viên Hội đồng chứng minh GHPGVN; HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, giáo thọ sư Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc; HT. Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Từ thiện – Xã hội TƯ GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng; ĐĐ. Thích Quảng Nghĩa – Uỷ viên thường trực Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Uỷ viên thường trực, Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN thành phố Hải Phòng; NS. Thích Tâm Chính - Ủy viên thường trực Ban Hoằng Pháp, Ban Từ thiện – Xã hội TƯ GHPGVN, cùng chư Tôn đức Tăng Ni một số tỉnh thành phía Bắc.
Đại đức Thích Quảng Nghĩa - Uỷ viên thường trực Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Uỷ viên thường trực, trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN thành phố Hải Phòng phát biểu khai mạc khóa tu
Phát biểu khai mạc khóa tu, Đại đức Thích Quảng Nghĩa - Uỷ viên thường trực Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Uỷ viên thường trực, trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN thành phố Hải Phòng đã có lời tri ân tới chư Tôn đức Hòa thượng đã hứa khả quang lâm chứng minh và bố thí pháp nhũ cho các Phật tử tham dự khóa tu "Một ngày an lạc" đầu tiên do Ban Hoằng pháp GHPGVN thành phố Hải Phòng tổ chức trong nhiệm kỳ 2022 – 2027, Đại đức cũng tóm tắt sơ qua tình hình tu học của Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc nói chung và đạo tràng Pháp hoa thành phố Hải Phòng nói riêng trong thời gian vừa qua; Đại đức cũng mong hơn 1.500 Phât tử về tham dự khóa tu hôm nay sẽ có một ngày tu thật sự an lạc theo đúng chủ để của khóa tu và chúc mừng các Phật tử đã có đầy đủ phúc duyên được cung đón chư Tôn đức Hòa thượng hàng giáo phẩm TƯ GHPGVN quang lâm chứng minh và hướng dẫn tu học theo đúng chính pháp.
Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng ban lời đạo từ
Ban đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng đã bày tỏ niềm hoan hỷ khi lần đầu tiên Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng và Ban Hoằng pháp GHPGVN thành phố được đón tiếp các Phật tử Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc với số lượng Phật tử đông nhất về tu học, kể từ khi Trụ sở Ban Trị sự thành phố chính thức đi vào hoạt động. Đồng thời, Hòa thượng cũng giới thiệu tới các Phật tử quá trình hình thành, kiến thiết xây dựng trụ sở Ban Trị sự GHPGVN thành phố để các Phật tử có nơi tu học, sinh hoạt với điều kiện cơ cở vật chất khang trang, tố hảo như ngày hôm nay. Hòa thượng mong trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đón các Phật tử đạo tràng Pháp hoa, cũng như các Phật tử từ khắp mọi miền trên cả nước về tu học, giao lưu Phật pháp cùng các Phật tử của thành phố cảng Hải Phòng.
Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Thành viên Hội đồng chứng minh TƯ GHPGVN thuyết giảng tại khóa tu
Ngay sau khi kết thúc buổi lễ khai mạc, các Phật tử đã được nghe một thời pháp ngắn của Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Thành viên Hội đồng chứng minh TƯ GHPGVN, Hòa thượng đã hướng dẫn các Phật tử tu học theo đúng chính pháp và thực hành những lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa, hành trì kinh Pháp Hoa theo đúng lời chỉ dạy của Hòa thượng Tôn sư thượng Trí hạ Quảng và Hòa thượng giáo thọ sư Thích Bảo Nghiêm, mong các Phật tử tinh tấn, kiên định trên con đường tu học, cũng như pháp môn mà mình đã lựa chọn; khi các Phật tử đã chính thức phát nguyện là hành giả Pháp Hoa, thọ trì kinh Pháp hoa thì phải chuyển hóa được Tham – Sân – Si, dần hoàn thiện bản thân, để cuộc sống trở nên ý nghĩa, an vui và hạnh phúc. Buổi chiều cùng ngày, toàn thể đạo tràng đã cùng nhau trì tụng Kinh Bổn Môn Pháp Hoa, cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp trường tồn và cầu nguyện cho các Phật tử luôn tinh tấn tu học, nguyện một đời trì tụng Kinh Pháp Hoa, thực hành lời Phật dạy và chuyển hóa thân tâm để có cuộc sống an lạc, hạnh phúc ngay ở giây phút hiện tại.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Trưởng Ban Hoằng Pháp TƯ GHPGVN bố thí pháp nhũ tại khóa tu
Tiếp đó, toàn thể đạo tràng đã được Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Trưởng Ban Hoằng Pháp TƯ GHPGVN bố thí cho một thời pháp nhũ nói về ý nghĩa Phật đản, sự kiện Đức Phật đản sinh nhân mùa Phật đản PL.2567 – DL.2023. Hòa thượng một lần nữa khẳng định lại tinh thần, phẩm chất Đại Hùng – Đại Lực – Đại Từ Bi của Đức Thế Tôn: Thứ nhất là tinh thần Đại hùng. Đó là sức mạnh vĩ đại, sức mạnh phi thường của tinh thần vô ngã và sự chiến thắng tự thân. Thế gian kim cổ chỉ khuất phục người bằng uy quyền và vũ lực, chứ có mấy ai khuất phục nổi cái dục tình trong lòng của mình. Thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ mái tóc xanh, gửi lại vương bào, chẳng ham châu báu, từ chối quyền uy, sống đời thoát tục với tấm Ca sa và chiếc bình bát; trải qua sáu năm khổ hạnh, không tiếc thân mạng, chỉ mong chứng được Đạo vàng. Sự từ bỏ đó cũng nói lên nguyện lực vô biên mà Thế Tôn đã tự chiến thắng, tự điều phục chính mình giúp tinh sạch nội tâm. Tất cả nội chướng ngoại ma đều tan tành như mây khói trước sức mạnh đại định của Ngài. Trong thì Ngài dứt sạch hết ma nội tâm, dục vọng và tham sân si; ngoài thì Ngài chiến thắng tất cả ma vương, ma nữ, ác thú cũng như những trận cuồng phong. Quả thật “chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình. Chiến thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất.” Chiến thắng tham vọng dục tình nơi chính mình để đạt cho được sự thanh tịnh và an nhiên tự tại trước ngoại cảnh ấy mới chính là đại hùng. Thứ hai là tinh thần Đại lực. Đó là sức mạnh nội tâm, có nghị lực chịu đựng, có đức nhẫn nhục khắc phục mọi hoàn cảnh, cảm hóa chẳng những cho chính mình mà còn cảm hóa được tha nhân. Vào thời Đức Phật còn tại thế, Đề Bà Đạt Đa và chàng Vô Não đã bao phen tìm cách hại Ngài, thế mà Phật vẫn thản nhiên, chẳng buồn phiền mà còn phát tâm thương xót cảm hóa họ. Đức Thế Tôn đã gặp không biết bao nhiêu là chướng duyên và nghịch cảnh, thế mà tất cả đều tiêu tan bất thành trước trí tuệ và định lực của Ngài. Chính Ngài đã nói rằng nhẫn nhục khiêm tốn không có nghĩa là khiếp nhược, mà trái lại chúng là đạo quân trung thành đưa ta đến thanh tịnh và rốt ráo. "Kẻ ác có tâm hại người hiền chẳng khác gì rải cát trước mặt trong gió ngược, thế nào rồi cát cũng sẽ bay tạt vào mặt mình". Hoặc "kẻ ác hại người hiền cũng giống như mình cầm đuốc mà đi gió ngược vậy, lửa sẽ tự cháy tay mình trước". Như thế cho thấy ai có nghị lực sẽ thản nhiên trước những chửi mắng thiếu đạo đức của người khác, sẽ bình tâm trước những thị phi đố kỵ. Thứ ba là tinh thần Đại từ bi. Con người luôn mong sống trong hòa bình nhưng tâm tính thì bất hòa; mong đạt được nhiều thành công nhưng cuộc sống lại làm nhiều việc xấu; mong luôn được yêu thương nhưng lòng lại chất chứa hận thù, ôm lòng hiểm độc. Do vậy, Đại từ bi là tình thương bao la rộng lớn với tâm bình đẳng vô phân biệt đến với mọi người, mọi loài, là lòng vị tha vô bờ bến. Lòng từ bi của Đức Phật như ánh trăng rằm rải khắp vạn vật, bình đẳng, không phân biệt, không điều kiện. Ngài lúc nào cũng thương chúng sinh hơn tự thương mình khi chính Ngài đã nói: "Nếu ta không vào địa ngục thay thế và cứu chúng sinh thì ai thay ta vào". Còn ngài Địa Tạng Vương Bồ tát đã phát nguyện: "Địa ngục chưa trống không, ta thề không thành Phật". Hoặc lời phát nguyện của Tôn Giả A Nan: "Trong đời ngũ trược, tôi nguyền vào trước. Nếu còn chúng sinh nào chưa thành Phật, tôi không nhận lấy quả vị Niết bàn". Tóm lại với Đại hùng, Đại lực và Đại từ bi, Đức Phật chẳng những tự mình giải thoát mà Ngài còn để lại cho nhân loại và chúng sinh một triết lý và tôn giáo vĩ đại. Bất cứ ai, nếu có đủ ba phẩm chất ấy thì nội tâm sẽ thanh tịnh và tự tại trước chướng duyên, nghịch cảnh. Đại lễ Phật đản PL. 2567 năm nay cũng là dịp tưởng niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Ngọn lửa từ bi của Bồ tát đã bùng lên trong bối cảnh hòa bình chưa được thiết lập, núi sông còn bị phân chia. Ánh đuốc vị Pháp của Ngài đã khơi nguồn cho tinh thần hộ trì Chính pháp, yêu chuộng công lý, hòa bình và lý tưởng độc lập dân tộc, làm tiền đề cho công cuộc vệ quốc mùa xuân 1975; để rồi Nhân dân Việt Nam, tổ quốc Việt Nam được vỡ òa trong niềm vui toàn thắng, Bắc Nam nối liền một dải, quê hương đoàn tụ non sông. Phật giáo Việt Nam cũng từ đó mà được ngồi lại với nhau trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thanh tịnh, xây dựng thành công ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dịp này, Hòa thượng đã cùng các Phật tử ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công hạnh của cố Đại lão Hòa thượng Sa môn Thích Trí Hải, người đã có công lớn đối với Đạo Pháp, Dân tộc, cũng như đối với sự hình thành và phát triển của Phật giáo thành phố Hải Phòng. Khi sinh thời, Hòa thượng đã biên dịch rất nhiều kinh sách, trong đó có cuốn Diễn ca lịch sử Đức Phật Thích Ca rất nổi tiếng hay bài kệ thỉnh chuông dịch nghĩa… Ngài diễn giải một cách tài tình giáo lý của Phật tổ và đạo đức Phật giáo như Tâm chúng sinh, Truyện Phật Thích Ca, Phật học ngụ ngôn, Gia đình giáo dục… làm cho người đọc dễ hiểu, dể tiếp thu và làm theo. Đặc biệt, Hòa thượng là một người rất giỏi về lĩnh vực vận động tài chính xây dựng chùa chiền nên dân gian thường lưu truyền câu nói: "Thuyết Pháp Tố Liên, làm tiền Trí Hải" (Đây là 2 vị danh Tăng nổi tiếng ở thế kỷ thứ XX); Ngôi Đại hùng bảo điện chùa Quán Sứ ngày nay và chùa Nam Hải - Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng, trước khi được kiến thiết xây dựng lại là do cố Đại lão Hòa thượng Sa môn Thích Trí Hải vẽ mẫu. Ngoài ra, Hòa thượng còn là một vị danh tăng giàu lòng nhân ái, Hòa thượng đã làm nhiều việc từ thiện như nuôi trẻ mồ côi, cứu đói trong nạn đói năm 1945; Ngài đã cùng Hòa thượng Tố Liên và Cư sĩ Thiều Chửu thành lập Tổng Hội Cứu Tế đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội để giúp đỡ những người đói khổ, dựng lên một cô nhi Viện nuôi hơn 200 trẻ thất lạc, bơ vơ và lập Trại nuôi đồng bào bị đói tại Hà Nội, cứu đói cho hàng nghìn người… Tiếp nối mạng mạch đó, ngày nay Hải Phòng có Hòa thượng Thích Quảng Tùng hiện là Trưởng Ban Từ thiện – xã hội TƯ GHPGVN, Hòa thượng cũng đã đóng góp rất nhiều công sức cho Đạo Pháp, Dân tộc. Hàng năm, Hòa thượng đã vận động hàng chục tỷ đồng, cùng Đảng, Nhà nước thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội. Hòa thượng cũng tán thán công đức của Hòa thượng trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng, trong một thời gian ngắn đã vận động, kiến thiết xây dựng trụ sở Ban trị sự thành phố được khang trang, tố hảo để Phật tử có nơi tu học như ngày hôm nay. Trước khi khép lại ngày tu "Một ngày an lạc", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã động viên, sách tấn hàng Phật tử hãy tự hào là hành giả Pháp Hoa và cùng đồng thanh phát nguyện thọ trì - quảng tuyên - lưu bố Pháp Hoa Kinh, nỗ lực học và tu, chuyển hóa ba nghiệp Thân - Khẩu - Ý cho thanh tịnh, giữ gìn sự đoàn kết hòa hợp, cùng nhau xây dựng Đạo Pháp ngày càng phát triển hơn nữa. Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:

Thành Trung

Download Android Download iOS
TP.HCM: Tưởng niệm 11 năm Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Nhơn viên tịch

Sáng 22/4 (14/3 Giáp Thìn), Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trang nghiêm tưởng niệm húy nhật lần thứ 11 Trưởng lão HT.Thích Từ Nhơn, Thành viên HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, trụ trì Việt Nam Quốc Tự (quận 10).

Long An: Phật giáo Người Hoa (TP.HCM) trao nước cho người dân vùng nhiễm mặn

PSO - Chiều ngày 21/4, Ban diện Phật giáo người Hoa thành phố, BTS GHPGVN quận 8, chùa An Phú, chùa Lâm Quang, Tịnh Thất Pháp Tạng (Q.8), Ban Bảo trợ chùa Long Hoa (Q.8) Tịnh xá Từ Đức (Q.11) cùng mạnh thường quân đã tổ chức tài trợ kinh phí cho chương trình “Giọt nước nghĩa tình”; phối hợp với Hội CTĐ Quận 8, Hội CTĐ tỉnh Long An, tổ chức trao 22

Hải Phòng: Chương trình Vườn Ươm tặng 768 đầu sách tại chùa Linh Quang

PSO - Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc sách.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online