Nam Định: Hơn 1000 Phật tử tham dự khóa tu Một ngày an lạc tại chùa Linh Ứng

Sáng ngày 3/4, tại chùa Linh Ứng (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã diễn ra khoá tu một ngày an lạc với sự tham dự của hơn 1000 Phật tử đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc và nhân dân Phật tử thập phương.

Chứng minh khoá tu có Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TW; Hoà thượng Thích Quảng Hà – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nam Định; Hoà thượng Thích Thanh Huỳnh – Trưởng Ban nghi lễ Phật giáo tỉnh Nam Định, trưởng BTS GHPGVN huyện Hải Hậu, Viện chủ chùa Linh Ứng; Ni trưởng Thích Đàm Bích – Trưởng phân ban đặc trách Ni giới huyện Hải Hậu, trụ trì chùa Linh Ứng cùng chư Tăng Ni giảng sinh lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc khóa II.

Đã một thời gian dài kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện khiến mọi hoạt động, công tác Phật sự và tu tập trở nên ngừng trệ. Tuy nhiên đến nay, khi mọi sinh hoạt trở lại bình thường cũng là lúc các khóa tu dần được tổ chức. Và đây cũng là khoá tu đầu tiên của chùa Linh Ứng được trở lại sau đại dịch. Mặc dù chùa tọa lạc trên mảnh đất với phần lớn là người Công giáo nhưng khoá tu đã thu hút được hơn 1000 Phật tử đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc cùng nhân dân Phật tử địa phương. Đây là một con số ấn tượng tại một khoá tu tại chùa ở Hải Hậu nói riêng và Nam Định nói chung. 

Tại đây, Hoà thượng Thích Quảng Hà cũng có lời sách tấn đến toàn thể Phật tử tham dự khoá tu ngày hôm nay cần giữ tinh thần kỷ luật, đoàn kết hòa hợp cùng nhau xây dựng Đạo tràng ngày càng phát triển. Hòa thượng nhấn mạnh "Hòa Thượng đệ tứ Pháp chủ đã giao lại Đạo tràng Pháp Hoa phía Bắc để HT. Thích Bảo Nghiêm phổ biến giáo lý cho tín đồ Phật tử tu hành vào con đường chính đạo. Là người đệ tử quy y theo Phật, theo cùng một đạo tràng thì không nên có tâm phân biệt các chùa với nhau, tổ chức khóa tu ở đâu cũng là của nhà mình. Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp TW cũng quyết định sẽ tổ chức khóa tu tại Nam Định một năm 2 lần. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các Phật tử hàng tháng có thể về tập trung tại một nơi để tu tập. Những năm gần đây, đạo đức - văn hóa xã hội ngày càng đi xuống, mà đạo đức - văn hóa đi liền với phát triển kinh tế. Vì trường học đầu tiên của Việt Nam là chùa, cho nên văn hóa từ chùa mà ra, còn chùa thì còn văn hóa".

Qua đây, Hòa thượng sách tấn các Phật tử phải siêng năng tu tập, tích lũy công đức cho mình, để dần dần bước đi vào con đường giải thoát, đạt được an lạc ngay trong đời sống này.

Sau đó, đại chúng đã lắng lòng đón nghe thời pháp thoại của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm về tinh thần Lục hòa của người Phật tử. Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng bày tỏ niềm hoan hỷ khi nhìn thấy 25 Đạo tràng Pháp Hoa khắp các tỉnh thành phía Bắc hôm nay đã cùng tề tựu nơi ngôi chùa Linh Ứng này, cùng nhau tu tập trong một ngày an lạc. Điều đó chính là sự đoàn kết, hòa hợp mà Hòa thượng Tôn sư thượng Trí hạ Quảng mong muốn. Vì lẽ đó, pháp Lục hòa chính là pháp căn bản và quan trọng mà mỗi người Phật tử cần phải tu theo, để xây dựng Phật giáo ngày càng vững mạnh.

Trong đạo Phật, lục hòa có nghĩa là: Thân cùng ở (Thân hòa đồng trụ), Lời nói không tranh cãi nhau (khẩu hòa vô tránh), Ý cùng vui (Ý hòa đồng duyệt), Giới hòa cùng tu (Giới hòa đồng tu), Thấy biết giải bày cho nhau hiểu (Kiến hòa đồng giải), Lợi hòa cùng chia cân nhau (Lợi hòa đồng quân).

Kết thúc thời pháp thoại, Hòa thượng chia sẻ "Niềm hỷ lạc, sự đồng cảm, an lạc tu tập chính là Pháp hỷ thiền duyệt sung mãn. Bắt đầu từ năm nay, chúng ta hãy cố gắng phục dựng các đạo tràng, đạo tràng nào yếu thì phục dựng lên, đạo tràng nào đã vững thì cho phát triển. Chúng tôi sẽ cố gắng một năm 2 lần tổ chức khóa tu cho đạo tràng Pháp Hoa tỉnh Nam Định. Hàng tháng sẽ tập trung tu một ngày an lạc và thỉnh giảng sư để giảng cho quý Phật tử, còn các ngày khác chúng ta tu ở chùa gần nhà để đảm bảo sự gắn kết với thầy trụ trì nơi đó. Thầy trụ trì chăm lo cho đạo tràng thì đạo tràng phải hết lòng với chùa và phụng sự cho ngôi Tam Bảo ở đó".

Buổi chiều, chư Tăng Ni giảng sinh lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc khóa II đã hướng dẫn đại chúng tọa thiền, quay về an trú, quán chiếu lại nội tâm, học cách sống chậm và buông xả những phiền muộn của cuộc đời.

Tiếp đến, Đại đức Thích Huệ Lương - Ban điều hành lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc khóa II đã có thời pháp thoại chia sẻ với đại chúng về "Lời thuyết pháp của đôi bàn tay". Theo Đại đức, đa số nghiệp quả của mỗi người đều do đôi bàn tay tạo nên. Nghiệp thiện hay nghiệp ác đều được quyết định bởi chính hành động của chúng ta. Mười ngón tay có ngón dài ngón ngắn, trong cuộc đời cũng có người nọ người kia. Con người không ai hoàn hảo, và chính bản thân mình cũng vậy. Chúng ta không nên áp đặt tư duy của mình vào mọi người, cần có cái nhìn thông cảm và cởi mở với mọi người để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn. Mỗi bàn tay chỉ quen làm một số việc nhất định, đó là sở trường. Chúng ta nên phát huy sở trường và tránh sở đoản của mình. Đại đức cũng nhấn mạnh "Ngón tay nào cũng có chức năng nhiệm vụ riêng, thiếu bất cứ ngón nào cũng ảnh hưởng đến khả năng của cả bàn tay. Cũng như vậy, trong tập thể thì mỗi cá thể đều có một vai trò riêng và cần phải đoàn kết để cùng làm những việc chung, xây dựng một tập thể vững mạnh. Ta thấy lòng bàn tay và lưng bàn tay luôn đi cùng nhau. Có nghĩa rằng mọi vấn đề đều có hai mặt của nó, đúng sai, tốt xấu, phải trái. Nếu cố chấp về mặt này mà không thông cảm được mặt kia thì sẽ phiền não, khổ đau...."

Sau cùng, Đại đức Thích Trí Thuần cũng chia sẻ với đại chúng về tinh thần Kinh Pháp Hoa. Theo đó, trong kinh Đức Phật chỉ cho chúng sinh thấy được tri kiến Phật. Mỗi chúng sinh đều có Phật tính, có khả năng giác ngộ, song điều quan trọng là phải tu tập để nhận diện ra tâm giác ngộ nơi mình và chúng sinh. Dựa vào câu chuyện về Bồ Tát Thường Bất Khinh, Đại đức mong rằng người Phật tử cần siêng năng tu học, noi gương hạnh của Ngài, trong cuộc sống khi gặp nhau, giao tiếp chào nhau hãy chắp tay búp sen và mở đầu bằng câu niệm: Nam Mô A Di Đà Phật thể hiện thông điệp "Búp sen xin tặng người - Một vị Phật tương lai". Đây là một nét đẹp rất dễ thương của người con Phật, mang ý nghĩa tự nhắc nhở trong mỗi con người đều có một vị Phật, vì vậy hãy sống, suy nghĩ, hành động, nói năng, ứng xử như một vị Phật.

Trước khi khép lại ngày tu an lạc này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã động viên, sách tấn hàng Phật tử hãy tự hào là hành giả Pháp Hoa, giữ lời nguyện thọ trì - quảng tuyên - lưu bố Pháp Hoa Kinh, nỗ lực học và tu, chuyển hóa ba nghiệp Thân - Khẩu - Ý cho thanh tịnh, giữ gìn sự đoàn kết hòa hợp, cùng nhau xây dựng Đạo Pháp ngày càng phát triển hơn nữa.

Trong ngày tu này, đại chúng đã cùng nhau trì tụng Kinh Bổn Môn Pháp Hoa cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Được biết, không chỉ tổ chức các khoá tu, chùa Linh Ứng và Ni Trưởng Thích Đàm Bích còn là mái ấm nuôi dưỡng, chăm lo cho những trẻ em mồ côi và người già không nơi nương tựa trong suốt gần 30 năm qua. Có những em nhỏ bị bỏ rơi trước cổng chùa từ khi mới chào đời, có những cụ già bị chính con của mình bỏ mặc. Những mảnh đời ấy, Ni trưởng đều đón nhận và chăm lo như chính những người thân yêu của mình, bởi chính sự đồng cảm xuất phát tận sâu nơi trái tim Ni trưởng do thiếu hơi ấm tình thương của cha mẹ từ nhỏ. Khoảng thời gian đầu còn nhiều khó khăn vất vả, Ni trưởng mỗi ngày đều phải tranh thủ vừa học, vừa tu tập, vừa tranh thủ làm từng bó hương, trồng rau mang ra chợ bán kiếm tiền để vừa lo xây dựng tu bổ chùa cảnh, vừa chăm lo cho những mảnh đời cơ cực ấy.

Ni trưởng vẫn tâm niệm rằng nuôi dưỡng không đơn giản chỉ là cho các em cái ăn, cái mặc… mà quan trọng nhất là giáo dục nhân cách và bản lĩnh tự lập. Bởi các em rồi sẽ lớn, rời mái ấm để bước vào cuộc đời. Và điều mà Ni trưởng đang cố gắng mỗi ngày là dùng sự từ bi nhân ái đầy bao dung của Đạo Phật, xoa dịu đi sự tổn thương trong lòng và giúp các em có thể sống tốt, sống đẹp.

Diệu Tường

Download Android Download iOS
Bình Thuận: Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện tổ chức khám bệnh, tặng quà đến các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương

PSO - Hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước và 138 năm ngày Quốc tế lao động, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện (Hàm Tân, Bình Thuận) kết hợp với đoàn Y, Bác sĩ phòng khám Đa khoa Trí Việt (TP.HCM) tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc và tặng quà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa p

Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online