Sai lầm nghiêm trọng trong ý kiến pháp lý của luật sư, trọng tài viên Nguyễn Tiến Lập về dự thảo Thông tư Bộ Tài chính liên quan đến quản lý tiền công đức

Liên quan đến Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội vừa được Bộ Tài chính lấy ý kiến lần 2 (“Dự thảo Thông tư”) và Góp ý của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mới đây Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã trả lời phỏng vấn Một thế giới online về một số nội dung liên quan (https://1thegioi.vn/du-thao-thong-tu-ve-tien-cong-duc-su-quan-ly-ve-tai-chinh-mot-cach-co-nguyen-tac-khong-nen-quy-ket-la-can-thiep-chi-phoi-167379.html). Tuy nhiên, trả lời của Luật sư Lập lại gây bất ngờ bởi nhiều quan điểm mang tính chủ quan, thiếu cơ sở pháp lý và thể hiện sự thiếu am hiểu về thực tiễn hoạt động quản lý di tích, di sản, lễ hội văn hoá và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Bài viết này chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng trong ý kiến pháp lý của Luật sư, Trọng tài viên Nguyễn Tiến Lập trong bài “Dự thảo Thông tư về tiền công đức: Sự quản lý về tài chính một cách có nguyên tắc không nên quy kết là can thiệp, chi phối” đăng ngày 21/06/2021 trên Một thế giới online (trang của Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Sự nhầm lẫn nghiêm trọng về quy phạm định nghĩa “tiền công đức” Trả lời phỏng vấn, Luật sư Lập công nhận “tiền công đức cho di tích, hoạt động lễ hội” được đề cập trong Dự thảo Thông tư có bản chất là các khoản tài trợ tự nguyện cho di tích văn hóa và hoạt động lễ hội theo Luật Di sản văn hóa và các Nghị định hướng dẫn thi hành có liên quan như Nghị định 98/2010 và Nghị định 110/2018”. Nhưng khi trình bày quan điểm pháp lý của mình về khái niệm “tiền công đức” tại Dự thảo Thông tư này, ông Lập lại không đưa ra được cơ sở pháp lý cụ thể hay phân tích thấu đáo nào để tách bạch giữa: “tiền công đức” là một loại tiền dâng cúng mang tính chất tâm linh với “tiền công đức” đang bị Dự thảo Thông tư đánh tráo khái niệm với khoản tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Trong khi đó, theo nguyên tắc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), một VBQPPL phải đảm bảo có “quy phạm định nghĩa” để giải thích, làm rõ các thuật ngữ quan trọng được sử dụng trong VBQPPL. Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của VBQPPL <1>. Ngoài ra, luật sư Lập còn cho rằng hiện đang có cả cơ sở tôn giáo gắn với di tích và cơ sở tôn giáo không gắn với di tích thì các cơ sở tôn giáo gắn với di tích đương nhiên thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này. Đây là một quan điểm pháp lý hết sức sai lầm, bởi các lí do sau: Thứ nhất, Dự thảo Thông tư này thiếu hoàn toàn điều khoản định nghĩa để phân biệt “tiền công đức” với các loại tiền, vật tài trợ khác, cũng như không phân tách đối tượng áp dụng là cơ sở tín ngưỡng gắn với di tích hay không gắn với di tích. Cách quy định mập mờ như vậy sẽ dễ dàng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và cách áp dụng luật khác nhau. Thứ hai, kể cả trường hợp Ban Soạn thảo đưa đối tượng áp dụng của Thông tư này gồm các cơ sơ tôn giáo gắn với di tích như quan điểm của ông Lập, thì Ban soạn thảo cũng phải đưa ra các nhóm quy định đảm bảo nguyên tắc, điều kiện, phương thức phân tách được: a) khoản tiền, tài sản được tặng cho nào thuộc về tâm linh với b) khoản tiền, tài sản được tặng cho nào thuộc về mục đích đóng góp cho di tích, hoạt động lễ hội. Theo đó, pháp luật phải tôn trọng ý chí hợp pháp và niềm tin, sự thực hành theo đức tin của người dâng cúng, cho tặng. Thứ ba, nếu Dự thảo Thông tư hướng đến quản lý chung về các khoản thu của cơ sở tôn giáo gắn với di tích thì phải quy định chung cho tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng chứ không thể chỉ dùng một thuật ngữ mang tính cá biệt, ám chỉ hoặc tạo sự liên tưởng đến Phật giáo. Về nội dung này, số đông dư luận quan tâm đang đồng quan điểm với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đồng quan điểm với nhiều chuyên gia pháp lý, học giả khác về việc Bộ Tài chính bắt buộc phải xem xét lại để đưa vào văn bản này một quy phạm định nghĩa về “tiền công đức”, để tránh sự mập mờ trong cách hiểu, dẫn đến sự áp dụng sai khi Thông tư được ban hành chính thức. Một trong các phân tích rõ nét và sâu sắc về nội dung này là của ThS. Nguyễn Thị Long, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, đăng trên Tạp chí Khoa học Kiểm sát số chuyên đề 01 (47) năm 2021 <2>. ThS. Long đã phân tích rất chi tiết về việc cần làm rõ nội hàm thuật ngữ “tiền công đức” tại Dự thảo Thông tư do văn bản này chưa có quy định định danh “tiền công đức” là gì; “tiền công đức” khác gì với tiền giọt dầu hay các tên gọi khác và khuyến nghị Ban soạn thảo cần bổ sung điều luật giải thích thuật ngữ để có cách hiểu và áp dụng thống nhất. Khi đưa khái niệm “tiền công đức” vào Thông tư, Bộ Tài chính bắt buộc phải tổ chức lấy ý kiến của đối tượng có liên quan trực tiếp là Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tổ chức tôn giáo khác theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ các phân tích trên, tác giả cho rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chuyên gia pháp lý, học giả quan tâm và dư luận xã hội đang hiểu rất rõ và không hề nhầm lẫn về vấn đề này như Luật sư Lập nêu trong bài trả lời phỏng vấn của mình. Ngược lại, tác giả lại cho rằng có vẻ như chính vị Luật sư, Trọng tài viên này chưa có đủ sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và cẩn trọng về tổng thể và chi tiết hệ thống VBQPPL liên quan đến quản lý  di tích văn hóa và hoạt động lễ hội và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như hệ thống các văn bản quản lý tài chính nội bộ của các Tổ chức tôn giáo đã được công nhận tại Việt Nam và trên thế giới. Những đánh giá phiến diện về kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư xây dựng “dự án tâm linh” Luật sư Lập cho rằng các “dự án tâm linh” đang được đầu tư tù mù, không rõ ràng cơ sở để quản lý chi phí đầu tư xây dựng một cách minh bạch, hạn chế trục lợi cá nhân. Thực tế, trong hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và quản lý dự án, không có quy định về “dự án tâm linh”. Ông Lập không hiểu một dự án tu bổ, phục dựng, phát triển di tích đã có cả một hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh, trong đó Nhà nước thẩm định và giám sát từ khâu quy hoạch, lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế, cấp phép xây dựng, quản lý chất lượng, phòng chống cháy nổ, an toàn môi trường, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, quản lý vận hành…Theo đó, việc xác định vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đều phải thực hiện theo quy định pháp luật dưới sự quản lý, giám sát của Nhà nước. Mặt khác, “tiền công đức” (tiền dâng cúng về tâm linh) là cho mục đích tôn giáo thì thuộc quyền quản lý của tổ chức tôn giáo; khác với tiền tài trợ cho hoạt động xây dựng, phát triển và vận hành di tích thuộc quyền quản lý của Ban quản lý di tích hoặc Chủ đầu tư dự án. Hiện nay dư luận không phản đối việc Nhà nước quản lý chi phí đầu tư xây dựng và giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng phương án thu hồi chi phí đầu tư (nếu có) mà chỉ phản đối việc Nhà nước can thiệp vượt thẩm quyền vào “tiền công đức” (tiền gắn với hoạt động tôn giáo). Sự suy diễn khó chấp nhận về quyền “quản lý nhà nước” đối với tài sản riêng của tổ chức tôn giáo Luật sư Lập cho rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều học giả, chuyên gia pháp lý và dư luận đang “nhầm lẫn về mục tiêu của dự thảo Thông tư là Nhà nước sẽ quản lý tiền công đức hay tài chính của Hội Phật giáo và thay cho những người điều hành trực tiếp, dù là các cơ sở tôn giáo hay lễ hội. Thay vào đó, sự can thiệp bằng pháp luật chỉ giới hạn vào việc đề ra các quy tắc quản lý tài chính để các bên có liên quan tuân thủ, đi kèm với báo cáo, giải trình và giám sát của cơ quan chính quyền. Đối với sự tham gia của Nhà nước, tôi cho rằng luôn luôn đúng một khi liên quan đến các hoạt động tương tác trên quy mô rộng, có ý nghĩa xã hội và vì lợi ích công cộng hoặc cộng đồng. Bởi nếu không thì chính quyền sinh ra để làm gì?” Đây là một sự suy diễn rất khó chấp nhận. Ngay tại Điều 2 Dự thảo Thông tư về nguyên tắc góp, tiếp nhận tiền công đức và quản lý thu, chi tiền công đức đã có quy định: “Tiền công đức... không thuộc sở hữu cá nhân và không phản ánh vào ngân sách nhà nướcđược để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích sử dụng cho các hoạt động lễ hội, quản lý và sử dụng di tích”. Đọc nội dung của quy định này thì sẽ thấy Nhà nước không còn thực hiện chức năng quản lý, định hướng mà bằng việc ấn định mục đích chi của tiền công đức, đã thực hiện việc định đoạt thay chủ sở hữu tài sản. Đây là điều khoản vượt quá phạm vi quản lý Nhà nước, thể hiện sự “can thiệp” vào quyền tự do sở hữu, hưởng dụng và định đoạt tài sản hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến “tiền công đức”. Về quan điểm này, chính Bộ Tư pháp cũng đã đề nghị Bộ Tài chính cần bỏ quy định này trong Dự thảo Thông tư để rà soát lại về tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, khả thi của quy định này với Luật Ngân sách, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhiều chuyên gia pháp lý, học giả cũng phân tích về tính vi Hiến, bất cập của Điều 2 và các quy định khác trong Dự thảo Thông tư liên quan đến việc Nhà nước can thiệp, kiểm soát vượt quá phạm vi, chức năng quản lý, giám sát dẫn đến khả năng xâm phạm và quyền về tài sản của các chủ thể dân sự như bài viết của Chuyên gia pháp lý Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật TNHH Vietthink), ThS. Nguyễn Thị Long (Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội), Luật sư Vũ Cát Tường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), … <3> Sự thiếu am hiểu về thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo Trong bài phỏng vấn, luật sư Lập khẳng định rất chủ quan như sau: “Trên hết, tâm linh muốn trong sạch không thể gắn với tiền bạc và vật chất. Đền, chùa và cơ sở tôn giáo muốn nghiêm minh theo đúng nghĩa cũng không nên cung cấp dịch vụ thu tiền.” Quan điểm trên chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối gay gắt của các tín đồ, đệ tử các tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là quan điểm rất chủ quan của người có vẻ như không tìm hiểu về thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cũng chưa có sự tìm tòi, nghiên cứu về hệ thống quy định nội bộ về tài sản của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tại Việt Nam. Thực tế thì mỗi tôn giáo đều có Giáo lý riêng (về đạo) và hệ thống văn bản nội bộ riêng (về lý) công nhận và quy định quyền đối với tài sản của mình và các thành viên trực thuộc. Đặc biệt các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo không coi việc sở hữu tài sản là làm mất đi tính trong sạch của hoạt động tâm linh. Ngược lại, việc dâng cúng cho các tu sĩ, nhà tu hành trong giáo lý của các tôn giáo này được coi là một việc thực hành nghi thức tôn giáo. Ví dụ, trong Phật giáo, người cho tặng tài sản (công đức, cúng dường) cho nhà tu hành hoặc cơ sở tôn giáo bởi họ có niềm tin tâm linh riêng về việc công đức (cúng dường) Tam Bảo làm phát sinh phúc báu. Niềm tin tâm linh này là sự kết tụ từ: công đức tu tập trong nhiều kiếp (ba A-Tăng-Kỳ-Kiếp) của chư Phật và sự chuyển giáo của chư Phật; do sự xả thân, xả dục, cống hiến hi sinh nhiều cuộc đời của chư Phật và chư Tăng để hoằng Pháp cho chúng sinh; do sự chuyển hoá thực tế của các Phật tử, gia đình đã cúng dường vào chùa (mà sự chuyển hoá này phát sinh từ công đức tu tập của chư Tăng mà có). Tất cả các yếu tố trên mới kết tụ thành niềm tin tâm linh để thực hành công đức. Đó là lí do vì sao “tiền công đức”là tiền gắn với tâm linh mà không thể bị “thế tục hoá”, bởi khi tiền tặng cho các chủ thể thế tục thì không thể có các giá trị tâm linh như nêu trên. Quan điểm này được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phân tích rất chi tiết và chặt chẽ trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính mà giới luật sư quan tâm có thể tham khảo nghiên cứu, bởi niềm tin, lễ nghi và giáo lý tôn giáo phải được tôn trọng khi xây dựng chính sách và pháp luật. Tác giả đánh giá cao sự tham gia góp ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở cả góc độ đạo lý và pháp lý. Các phân tích đều dựa trên sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng từ Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho đến các quy định về quản lý ngân sách, di sản, tín ngưỡng, tôn giáo. Ý kiến của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng mang giá trị phổ biến thêm kiến thức về Nhà nước thế tục, thế tục hoá tiền tâm linh hay giải thiêng tiền công đức. Yêu cầu về bảo đảm công bằng giữa các tôn giáo trong bối cảnh đất nước tăng cường hội nhập cần phải được nghiêm túc xem xét. Mặc dù là đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản quy phạm này mà không được Bộ Tài chính lấy ý kiến chính thức, nhưng tác giả cho rằng cách đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại văn bản trên cũng thể hiện một tinh thần rất thiện chí, ôn hoà và “từ bi” theo đúng chất “Nhà Phật”. Tinh thần này của Giáo hội cũng như các ý kiến, lập luận sắc sảo của Giáo hội cần phải được giới luật sư, chuyên gia pháp lý nhìn nhận khách quan, ghi nhận công tâm và tham khảo, học hỏi để tránh những phát ngôn “gân guốc”, thiếu cơ sở pháp lý và thiếu am hiểu về thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. ----------------- <1> Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020, khoản 3 Điều 5 quy định nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như sau: “Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật”; khoản 2 Điều 8 quy định ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật như sau: Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”. <2> Nguyễn Thị Long, “Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số Chuyên đề 1 (47) 2021, tr. 85. <3> Nguyễn Thanh Hà, “Tranh cãi quy định trong dự thảo Thông tư về Quản lý tiền công đức cho di tích và hoạt động lễ hội”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, https://lsvn.vn/tranh-cai-quy-dinh-trong-du-thao-thong-tu-ve-quan-ly-tien-cong-duc-cho-di-tich-va-hoat-dong-le-hoi1623400302.html?fbclid=IwAR0GzCyQb1ItyaSEgmQhYIVIiBGnoPmnxcC1a9C8VKCJry-2SLK2JNgoncw Xem thêm: ý kiến của Luật sư Vũ Cát tường trong bài “Ý kiến đa chiều về quản lý tiền công đức trong dự thảo thông tư của bộ Tài chính, Người Đưa Tin: https://www.nguoiduatin.vn/y-kien-da-chieu-ve-quan-ly-tien-cong-duc-a517086.html?fbclid=IwAR0_aImoLr-AfRVOnnAt-TRekv9uNZ8gcBNW72Umo3XmQWBTqGzIIcVQOe4

Chuyên gia pháp lý TRÌNH MINH ANH

Download Android Download iOS
TP.HCM: Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024 khu vực phía Nam

Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024 khu vực phía Nam khai mạc sáng 25/4, tại Hội trường Văn phòng 2 Trung ương – thiền viện Quảng Đức (quận 3, TP.HCM), Hội nghị diễn ra 01 ngày, nội dung tập trung triển khai các văn kiện quan trọng của Giáo hội.

Bến Tre: “Giọt nước nghĩa tình” đến với người dân xã Đảo

PSO - Ngày 23/4, trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, hạn mặn đang rất khốc liệt, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng tỉnh Bến Tre, khiến nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nước uống trầm trọng ảnh hưởng lớn đời sống, sản xuất của người dân. Được sự tài trợ đoàn thiện nguyện do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn cùng các mạnh thường quân

Hải Phòng: Chương trình Vườn Ươm tặng 768 đầu sách tại chùa Linh Quang

PSO - Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc sách.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online