Suy tôn Trưởng lão Hoà thượng Thích Hiển Tu lên ngôi vị Phó Pháp chủ

Sáng 18-01, tại Hội nghị Thường niên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thừa uỷ quyền của Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh (HĐCM), Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, thông qua Nghị quyết Hội nghị Ban Thường trực HĐCM về việc suy tôn Trưởng lão Hoà thượng Thích Hiển Tu, Phó Thư ký HĐCM lên ngôi vị Phó Pháp chủ HĐCM. Sau đó, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lấy ý kiến và được Hội nghị Thường niên đồng thuận đề nghị của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh cử Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự và Thượng tọa Thích Giác Dũng, Thư ký Hội đồng Giám luật phụ tá Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh, phụ trách 2 văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM. Toàn thể đại biểu đã cùng đứng dậy, đồng thanh niệm danh hiệu Đức Phật ba lần, nhất tâm chính thức suy tôn Trưởng lão Hoà thượng Thích Hiển Tu theo nghi thức quy định. Trước đó, ngày 17-01, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã trình Hội nghị Ban Thường trực HĐCM suy tôn Trưởng lão Hoà thượng Thích Hiển Tu, Phó Thư ký HĐCM lên ngôi vị Phó Pháp chủ HĐCM. Nhân sự kiện trọng đại này, Ban Biên tập xin giới thiệu đến quý độc giả sơ lượt quá trình tu học và hành đạo của Trưởng lão Hoà thượng Thích Hiển Tu.
  1. XUẤT THÂN:
Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu, thế danh Nguyễn Tấn Hưng, sinh năm 1921 (Nhâm Tuất) tại xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Trưởng lão Hòa thượng là con thứ trong gia đình có 4 anh chị em; thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Thời, cụ bà là Trần Thị Thất. Trưởng lão Hòa thượng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung nông, phúc hậu, nề nếp gia phong, đạo đức, nhiều đời kính tin Tam bảo và giàu lòng yêu nước.
  1. QUÁ TRÌNH TU HỌC:
Năm lên 5 tuổi Trưởng lão Hòa thượng đã sớm mồ côi cha mẹ, được bà ngoại nuôi dưỡng, và sau đó được dẫn đến Hòa thượng Vĩnh Tấn - Trụ trì chùa Kiển Phước, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nhận làm dưỡng tử. Do căn lành nhiều đời của Ngài với Phật pháp, thuở nhỏ đã được thân cận Tam Bảo, gần gũi chư Tăng. Đến năm 8 tuổi, Ngài đảnh lễ Hòa thượng Vĩnh Tấn làm bổn sư thế phát xuất gia, được ban pháp danh là Thiện Duyên, hiệu Nhựt Quang, tự Hiển Tu, thuộc Thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Sau khi tốt nghiệp Tiểu học, từ năm 1935 – 1940, Trưởng lão Hòa thượng được bổn sư dẫn đến Tổ đình Bửu Sơn, đảnh lễ Tổ Khánh Thông, xin nhập chúng tu học, từ đó, vốn bản tính thông minh, Ngài cần mẫn tham học với quý Hòa thượng Khánh Thông, HT. Vĩnh Huệ (Trụ trì chùa Bửu Sơn); HT. Vĩnh Đạt (chùa Bửu Sơn, sau đó Trụ trì chùa Phước Hưng, Sa Đéc), HT. Vĩnh Tồn (chùa Toàn Phước), HT. Vĩnh Pháp (chùa Linh Phước, Ba Tri, Bến Tre) được Thầy tổ và huynh đệ thương mến. Năm 1937, Trưởng lão Hòa thượng theo học Luật Trường hàng tại chùa Long Nhiễu, xã Nhơn Thạnh, huyện Mỹ Lòng, tỉnh Bến Tre, tại nơi đây Hòa thượng được bổn sư cho phép đăng đàn thọ giới Sa-di tại chùa Kiển Phước, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre do Tổ Khánh Thông làm Đàn đầu truyền trao giới pháp. Năm 1941, sau bao năm thúc liễm thân tâm, tinh tấn tu học, Trưởng lão Hòa thượng đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Trường kỳ Giới đàn chùa Bửu Sơn, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, Bến Tre, do Tổ Khánh Thông, Tổ Khánh Hòa khai kỳ, Sư Tổ Khánh Thông làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới, cùng các bậc cao Tăng tỉnh Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre) đương thời chứng minh Giới đàn. Từ đây, Ngài chính thức dự vào hàng cập đệ - Chúng Trung Tôn, nhận trọng trách “Sứ giả Như Lai”. Được sư Tổ Khánh Thông ban kệ phú pháp: “ Nhựt xuất ư không trung Quang minh tận vô cùng Hiển hành chơn chánh đạo Tu liễu ngộ viên dung ” Từ năm 1941 – 1945, Trưởng lão Hòa Thượng tiếp tục cầu học Phật pháp với các bậc danh đức thời bấy giờ tại Bến Tre, đặc biệt nghi lễ ứng phú đạo tràng với Hòa thượng Vĩnh Pháp – Trụ trì chùa Linh Phước, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Có thể nói, từ thuở sơ tâm mới phát cho đến ngày Cụ túc châu viên, Hòa thượng luôn giữ vững chí nguyện xuất trần, khiêm cung cầu học, trau dồi Giới đức, trang nghiêm tự thân. Chính quãng thời gian tham học các lớp gia giáo Phật pháp với các bậc cao Tăng thạc đức, từ nguồn giáo dục truyền thống, đậm chất Nam Bộ, mang nặng tình người, tình yêu quê hương đất nước, thấm nhuận quy củ thiền môn “Hạnh giải tương ưng” đã tạo thành nền tảng giúp ích cho công cuộc du hóa và đạo nghiệp của Hòa thượng sau này. III. QUÁ TRÌNH HÀNH ĐẠO: Hòa thượng sinh trưởng trong thời gian đất nước trải qua nhiều biến động lịch sử lớn, thuở thiếu thời nương cửa Thiền, chuyên tâm nội điển, noi gương Tổ đức cần mẫn công phu. Vừa tròn tuổi xuân, trước cảnh khổ đau trong cơn lầm than của đất nước, Ngài chẳng hề e ngại mà nhập thế giúp đời. Ngài cùng các pháp lữ như quý Hòa thượng Hiển Pháp, HT. Hiển Tánh (Thiện An), HT. Hiển Giác, HT. Hiển Ngộ (Minh Từ), v.v... gánh vác Phật sự tại huyện nhà. Trong giai đoạn khúc quanh lịch sử đất nước từ năm 1945 cho đến 1949, thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Nam Kỳ, trong đó, tỉnh Bến Tre cũng bị chiếm đóng, gây bao đau khổ, chịu cảnh loạn ly cho đồng bào ta. Trước nỗi nguy nan của dân tộc, bi xót với nỗi khổ đau của đồng bào, theo sự ủng hộ của chư Sơn Thiền đức có uy tín thời bấy giờ, với tinh thần “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” của Bồ tát hạnh, Hòa thượng đã tham gia Mặt trận Việt Minh, ra chiến khu ở vùng bưng Thạnh Phú, Bến Tre sau đó hoạt động bí mật tại chiến khu thuộc tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương). Tuy hình thức là chiến sĩ cách mạng, mà trong thân tâm vẫn là một tu sĩ tự thân nỗ lực tu trì, giới hạnh trang nghiêm, dù hoàn cảnh đất nước loạn lạc do chiến tranh, lòng người ly tán, hợp tan, dù nghịch cảnh nhưng Hòa thượng vẫn một lòng nhẫn nại, gìn giữ đạo tâm, chí hướng đầy đủ nhân duyên chấn hưng Phật giáo. Năm 1951, chiến sự tạm lắng dịu, Hòa thượng trở về trú tại chùa Khánh Vân, xã Hiệp Hưng, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, vừa đảm nhiệm Phó Trụ trì, gánh vác Phật sự và tham gia công tác của tổ chức Phật giáo Cứu quốc huyện Ba Tri. Hơn hai năm sau, HT. Vĩnh Tồn – Trụ trì chùa Toàn Phước, Ba Tri bị giặc Pháp tra tấn đến hy sinh, Hòa thượng Hiển Tu trở về lại đảm nhiệm chức Trụ trì, gìn giữ sơn môn, phát huy những truyền thống Phật giáo và Dân tộc. Những năm đầu thập niên 60, Hòa thượng lên Sài Gòn tham dự các khóa An cư kiết hạ và theo học khóa “Như Lai sứ giả” ở chùa Pháp Hội, tỉnh Chợ Lớn (nay là TP.Hồ Chí Minh) do HT. Thiện Hòa – Giám đốc Phật học đường Nam Việt, HT. Thiện Hoa – Phó Giám đốc của Phật học đường Nam Việt tổ chức, cũng như theo học thế học và tốt nghiệp tú tài toàn phần. Trong thời gian này, Trưởng lão Hòa thượng là thành viên Chi hội Tăng già Nam Việt Sài Gòn – Gia Định. Với sở học nội điển vững vàng và cùng sự cần mẫn, khiêm cung, sau ba tháng kiết đông của khóa “Như Lai sứ giả”, Hòa thượng được Ban Giám đốc Phật học đường Nam Việt công cử đi làm Trụ trì nhiệm kỳ 3 tháng tại chùa Vạn Đức, tỉnh Sóc Trăng. Khi mãn nhiệm kỳ, Hòa thượng được cử đặc trách Tăng sự, kiểm tra các Tự viện, nội ngoại thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định. Từ thập niên 60 đến 70, Trưởng lão Hòa thượng trở về quê hương Ba Tri được thỉnh làm Trụ trì chùa Thắng Quang, xã Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Giai đoạn này, Trưởng lão Hòa thượng vừa tu học, vừa tích cực tham gia phong trào Cách mạng tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, với vai trò Phó Ban An Ninh Nội Chính huyện Ba Tri. Trong thời điểm này, sau khi HT. Thích Vĩnh Đạt - Trụ trì đời thứ 3 Tổ đình Bửu Sơn 1 được Giáo hội Tăng già Nam Việt điều động về lãnh đạo công tác Phật sự tại tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Ngài được chư Tôn đức và Tăng Ni, Phật tử trong Sơn môn trạch cử kế đăng Trụ trì Tổ đình Bửu Sơn đời thứ 4, cùng với quý Hòa thượng Hiển Pháp, HT. Hiển Ngộ (Minh Từ) tiếp nối sự nghiệp của Thầy Tổ để giữ gìn tông phong của Tổ đình Bửu Sơn – một Sơn môn có uy tín lớn của xứ Nam Kỳ thời bấy giờ. Năm 1962, Hội Phật học Nam Việt thỉnh Ngài đảm nhiệm Phó Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi- trụ sở của Hội và cũng là một trong những trung tâm đầu não, lãnh đạo Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ. Trong Pháp nạn năm 1963, Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức lãnh đạo phong trào đấu tranh hòa bình, bất bạo động của Tăng Ni, Phật tử các giới phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau khi cuộc đấu tranh thành công, chế độ độc tài sụp đổ, Hòa thượng từ giã chùa Xá Lợi, trở về hành đạo tại quê hương Bến Tre, xây dựng tổ chức Phật giáo tại địa phương. Hành đạo tại quê hương, Hòa thượng tham gia Giáo hội Lục Hòa Tăng, được cử làm Đặc ủy Tăng sự tỉnh Bến Tre. Năm 1964 – 1968, Trưởng lão Hòa thượng được suy cử chức vụ Phó Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tỉnh Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre). Giai đoạn này, Trưởng lão Hòa thượng tiếp tục cùng những người yêu nước huyện Ba Tri đấu tranh đòi hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước với chế độ Sài Gòn, tích cực ủng hộ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Từ năm 1966 đến năm 1975, Hòa thượng được suy cử Chánh Đại diện Phật giáo Lục Hòa Tăng tỉnh Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre). Năm 1966, Trưởng lão Hòa thượng khai sơn Thích Ca Tu viện, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre và gánh vác trách nhiệm Trụ trì cho đến năm 1975, đồng thời được cung thỉnh tham gia Giáo hội Tăng già Nam Việt tỉnh Bến Tre. Khi đất nước thống nhất, ổn định xong các Phật sự tại địa phương, Hòa thượng xin nhường lại các vai trò lãnh đạo Phật giáo để cất bước vân du khắp các tỉnh thành miền Tây, miền Đông Nam Bộ, thuyết giảng Phật pháp tại các đạo tràng, giao lưu các pháp hữu đồng đạo thuộc các tổ chức Giáo hội. Suốt thời gian này, Trưởng lão Hòa thượng tiếp tục liên hệ chặt chẽ với Cách Mạng địa phương để vận động quần chúng Phật tử đấu tranh chính trị với chế độ Sài Gòn, như chống càn, chống bắn phá bừa bãi, đấu tranh đòi hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc... Năm 1978, với uy tín và đạo hạnh của Hòa thượng, ông Lê Ngọc Diệp với tư cách là Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt xuống tận Ba Tri tìm Ngài để cung thỉnh là Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi. Không ngần ngại gian khó, thử thách trước mắt, Ngài hoan hỷ nhận lời. Từ đây, Hòa thượng dốc hết tâm lực, thừa đương Phật sự, gắn bó với Phật giáo Quận 3 nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Với oai nghi, đạo phong của Hòa thượng, cương trực, chân thật, giàu đức hiếu nhân đã làm cho hàng cư sĩ trí thức trong Hội Phật học vô cùng kính phục, dưới sự chứng minh và lãnh đạo của Hòa thượng, góp phần thúc đẩy cho sự đóng góp lớn lao của Hội Phật học Nam Việt trong lịch sử thời hiện đại, tạo nhân duyên cho giai đoạn chuyển mình của Phật giáo Việt Nam ở thời đại hòa bình, độc lập của nước nhà, xây dựng Xã hội chủ nghĩa. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ 9 tổ chức Giáo hội, trong đó có Hội Phật học Nam Việt và Giáo hội Lục Hòa Tăng. Hòa thượng là người tiên phong cho Cuộc vận động thống nhất các tổ chức Giáo hội, là nhân tố trung gian góp phần cho sự hòa hợp, thống nhất giữa các tổ chức Phật giáo. Năm 1985, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh tổ chức khóa An cư Kiết hạ tại chùa Xá Lợi, quận 3,Trưởng lão Hòa thượng được cung thỉnh làm Hóa chủ Trường hạ. Nhiệm kỳ III (1990 – 1993), Nhiệm kỳ IV (1993 – 1997), Nhiệm kỳ V (1997 – 2002), Trưởng lão Hòa thượng được mời tham gia Ủy viên Ban Trị sự đặc trách Nghi lễ Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, đồng thời được cung thỉnh làm chứng minh Ban Đại diện Phật giáo Quận 3. Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III (1992), Trưởng lão Hòa thượng được Đại hội tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng, bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN. Năm 1988, Hòa thượng được Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh chính thức bổ nhiệm làm Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là lần Trụ trì lâu dài, khác với thông lệ bổ nhiệm Trụ trì theo nhiệm kỳ của Hội Phật học Nam Việt trước đây. Năm 1997, sau khi Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào viên tịch, Trưởng lão Hòa thượng được bổ nhiệm làm Trụ trì kiêm Viện chủ Chùa Phật Học Xá Lợi. Với uy tín và đạo hạnh, Hòa thượng lần lượt được suy cử Ủy viên Ban Trị sự đặc trách Nghi lễ Thành hội PG TP. Hồ Chí Minh, Phó ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN, suy cử Phó Trưởng ban Trị sự ,Trưởng ban Nghi lễ Thành hội PG TP. Hồ Chí Minh, Chứng minh Ban Đại diện Phật giáo Quận 3 (nay là Ban Trị sự GHPGVN Quận 3), Chứng minh Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV năm 1997, Trưởng lão Hòa thượng được Đại hội suy tôn Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Đại hội Đại biểu Phật giáo TP. Hồ Chí Minh thứ VI (2002 – 2007), Trưởng lão Hòa thượng được Đại hội suy cử chức vụ Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Nghi Lễ Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2007, Hòa thượng được cung thỉnh lên hàng Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP. Hồ Chí Minh. Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, Trưởng lão Hòa thượng được Đại hội suy tôn Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời chứng minh Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN. Đại hội Đại biểu Phật giáo TP. Hồ Chí Minh lần thứ VII (2007), Trưởng lão Hòa thượng được cung thỉnh lên hàng Giáo Phẩm chứng minh Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, chứng minh Ban Đại diện Phật giáo Quận 3 (nay là Ban Trị sự GHPGVN Quận 3). Năm 2008, dưới sự ủy thác của Hòa thượng và chư Tôn đức trong tông môn Tổ đình, Đại đức Thích Minh Hạnh được bổ nhiệm là Trụ trì Tổ đình Bửu Sơn, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Trưởng lão Hòa thượng được cung thỉnh là Viện chủ Tổ đình Bửu Sơn. Tại Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần VII năm 2012, Hòa thượng được cung thỉnh lên hàng Giáo phẩm Trưởng lão và được Đại hội suy tôn Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Đầu năm 2015, Trưởng Lão Hòa thượng cảm thấy lớn tuổi cần có thời gian tịnh tu, Hòa thượng đã đề nghị Giáo hội thành lập Ban Trụ trì Chùa Xá Lợi, giao lại việc điều hành Phật sự tại chùa Xá Lợi cho TT. Thích Đồng Bổn làm Trụ trì, TT. Thích Phước Triều làm Phó Trụ trì chăm lo Phật sự tại bổn tự. Ngài được cung thỉnh ngôi vị Viện chủ. Tại Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra vào ngày 17-01-2021, Trưởng lão Hoà thượng Thích Hiển Tu được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Qua từng giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng đã giữ nhiều cương vị khác nhau, nhưng đều chu toàn Phật sự. Hòa thượng được cung thỉnh làm Tôn chứng, Giới sư, Yết Ma A Xà Lê, Giáo thọ A Xà Lê, Đường đầu Hòa thượng, Chứng minh tại các Đại Giới Đàn ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng và Cà Mau, thí giới khai tâm, truyền trao giới pháp cho hàng Tăng Ni hậu học, nương công đức của Ngài mà tiến tu đạo nghiệp, cũng như chứng minh, ban đạo từ cho các lễ hội, sự kiện quan trọng của Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre. Song song với các hoạt động Phật sự, Hòa thượng đã đảm đương nhiều công tác xã hội như thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh, MTTQVN quận 3, nguyên Phó Hội trưởng Hội vận động từ thiện quận 3,v.v.... Dù ở cương vị nào, Hòa thượng cũng đều có nhiều đóng góp Phật sự quan trọng cho Giáo hội, với tinh thần “Tùy duyên bất biến” Hòa thượng đã đem hết tâm lực để phụng sự dân tộc, phụng sự Đạo pháp không mệt mỏi. Dù niên cao, lạp trưởng, lui về Thiền thất, Ngài vẫn luôn động viên Tăng Ni, Phật tử yên tâm hành đạo và tích cực tham gia công tác Phật sự, ổn định đời sống tu hành, tiếp Tăng độ chúng, quy y Tam bảo cho Phật tử. Về mặt xã hội, Hòa thượng là một trong những vị Tôn đức Phật giáo có uy tín và ảnh hưởng lớn với quần chúng, nhận được tình cảm kính trọng đặc biệt của Tăng Ni, Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như cộng đồng xã hội. Chùa Phật học Xá Lợi trong thời kỳ lãnh đạo của Ngài vẫn duy trì là một trong những trung tâm tu học lớn của Quận 3 và Thành phố có giá trị lịch sử và giữ vai trò quan trọng trong công tác Giáo dục, đào tạo Tăng tài. Đặc biệt, hiện nay chùa Phật học Xá Lợi là một trong các trung tâm nghiên cứu học thuật của Phật giáo Việt Nam, đào tạo Tăng tài, giữ mối quan hệ tốt đẹp với các phái đoàn Phật giáo quốc tê. Hơn 60 năm hình thành và phát triển của ngôi chùa Phật học Xá Lợi lịch sử, với công sức, tâm huyết của biết bao quý Tôn đức đạo cao đức trọng, tiêu biểu cho Phật giáo Việt Nam, các tầng lớp cư sĩ trí thức Phật giáo quy tụ đông đảo, trong chặng đường này, dấu ấn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu thật đậm nét, với hơn 40 năm đảm nhiệm vai trò Trụ trì và hiện đương vi Viện chủ chùa Xá Lợi, đức tu của Hòa thượng vẫn là chỗ nương tựa cho tứ chúng tu tập, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Với công lao to lớn và thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp Cách mạng, phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, Trưởng lão Hòa thượng được Trung ương Giáo hội và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: - Bằng Tuyên dương công đức của Trung ương GHPGVN. - Huân chương Độc lập hạng nhì. - Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác của Trung ương Giáo hội và Nhà nước.

Hoài Thái - Minh Ân

 
Download Android Download iOS
An Giang: Tổ đình Phi Lai tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch

PSO - Sáng 24/2 (tức ngày Rằm tháng 2 năm Giáp Thìn), dưới sự chủ trì của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Môn phong Tổ đình Phi Lai (An Giang) trang nghiêm tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch.

An Giang: Tổ đình Phi Lai tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch

PSO - Sáng 24/2 (tức ngày Rằm tháng 2 năm Giáp Thìn), dưới sự chủ trì của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Môn phong Tổ đình Phi Lai (An Giang) trang nghiêm tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch.

Thái Bình: Ký kết chương trình phối hợp giữa Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh

PSO - Chiều ngày 27/3/2024 (18/02/Giáp Thìn), tại trụ sở Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình giai đoạn 2024 - 2029.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online