PSO – Đạo giải thoát không do nơi cầu xin mà được, cũng không chờ đến sau khi chết mới thấy. Đạo ấy là con đường được đúc kết qua quá trình thực chứng của đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Hướng về ngày Đức Thế Tôn nhập Đại Niết Bàn, theo truyền thống, tối ngày 5/3/2023 (nhằm ngày 14/2/Quý Mão), quý Phật tử xa gần đã vân tập về chùa Đống Cao (Thôn Yên Khoái, Nga Yên, Nga Sơn, Thanh Hóa) cùng nhau ôn lại giây phút đấng Cha Lành của bốn loài nhập Niết bàn. Sau khi đại chúng cùng nhau xem lại đoạn phim về cuộc đời của Đức Thế Tôn.
Đại diện hàng Phật tử đã vẫn tập về phòng khách cung thỉnh chư Tôn đức Tăng hiện tiền chứng minh nơi đàn tràng tưởng niệm ở giảng đường.
Sau giây phút dâng hương và lễ Tam Bảo hướng nguyện về ngày đại lễ của đại chúng có mặt, Mc Liên Hiền đã mở đầu khai mạc buổi lễ. Tiếp đó Đại đức Thích Tâm Hưng thay mặt chư Tăng có mặt ôn lai giây phút Đức Thế Tôn nhập Niết bàn và cùng nhau đảnh lễ cuộc đời của Ngài trước khi đi kinh hành chiêm bái tôn tượng Ngài thị hiện Niết Bàn tại đàn tràng.
Sau đó, là giây phút đại chúng cùng nhau ôn tụng lại Kinh Di Giáo (Những lời giáo huấn tối hậu của đức Phật trước khi Nhập Niết bàn).
Trong không gian bao la tĩnh lặng, thời gian nữa đêm như lắng đọng, từng tiếng kinh vang lên trầm hùng vọng khắp đất trời. Mỗi lời kinh là từng lời nhắn gửi, động viên khuyến tấn. Lúc nhẹ nhàng trìu mến, khi nghiêm nghị đanh thép biểu hiện cái nhìn siêu thế của bậc Toàn giác trong Tam giới.
Qua đó, mỗi cá nhân hành giả có nhiều cơ hội nhìn lại, quán chiếu về sự tu tập và lý tưởng phụng sự của mỗi người. Hãy tinh tiến lên đừng buông lung phóng dật vì “các hành đều vô thường”. Đạo quả chứng đắc là biểu hiện đẹp nhất trên lộ trình giác ngộ. Nếu giây phút nào chưa đạt được đạo quả ấy, chưa nếm được hương vị bất tử ấy thì dù sống 100 năm trên cõi đời vẫn là kẻ trắng tay mà thôi.
Tiếp đó, Phật tử Liên Hương đã dâng lên những lời cảm xúc nhân buổi lễ kỷ niệm Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Kết thúc là giây phút đại chúng cùng nhau thọ lộc Phật.
Nguyễn Văn Nguyên