Tiền Giang: Phái đoàn Ban Văn hóa Phật giáo Trung ương khảo sát Kiến trúc Phật giáo tại các tự viện trong tỉnh

PSO – Trong chuyến khảo sát Kiến trúc Phật giáo các tự viện tiêu biểu thuộc Miền Tây Nam bộ, buổi chiều ngày 18/9/2022, phái đoàn Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã đến viếng thăm và làm việc tại các tự viện trong tỉnh Tiền Giang.

Phái đoàn do TT.Thích Thọ Lạc – UV Thư ký HĐTS, Trưởng ban Văn hóa (BVH) TƯ GHPGVN làm Trưởng đoàn; HT.Bửu Chánh – UVTT HĐTS, Phó trưởng Ban Thường trực BVH TƯ; TT.Thích Minh Tiến – UV HĐTS, Phó trưởng BVH TƯ; TT.Thích Giác Nghi – UV HĐTS, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Bạc Liêu; chư Tôn đức Tăng, Ni trong BVH TƯ và các tỉnh thành cùng các nhà khoa học: PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXHVN);  TS.Tạ Quốc Khánh – Trưởng phòng Nghiên cứu Di tích và Bảo tồn Di tích (Viện Bảo tồn Di tích); Ths.Nguyễn Thị Thu Hoan – PGĐ Bảo tàng Lịch sử VN; Ths.KTS Nguyễn Minh Quang – Giám đốc CTCP Văn hoá Truyền thống Kim Liên; PGS.TS Vương Ngọc Lưu – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương – nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Tôn giáo cùng các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cùng tháp tùng đoàn.

Đại diện BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang tiếp đón đoàn có: TT.Thích Quảng Lộc – Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang; TT.Thích Bửu Hiền – Phó trưởng BTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế tỉnh Tiền Giang, Trụ trì chùa Pháp Bảo; ĐĐ.Thích Huệ Phát – Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh; TT.Thích Thiện Nguyện – UVTT BTS, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh; TT.Thích Lệ Hiếu – UVTT, Trưởng ban Kiểm soát Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Bửu Lâm; chư Tôn đức trong Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh; chư Tôn đức Tăng, Ni thành viên Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Tiền Giang.

Thay mặt đoàn công tác, TT.Thích Thọ Lạc – Trưởng đoàn phát biểu: Mục đích của chuyến công tác này, Ban Văn hoá TƯ, các cơ quan chức năng cùng với các địa phương đặc biệt dành cho công tác tìm hiểu có phương án gìn giữ, bảo quản, bảo tồn các ngôi chùa, tự viện về kiến trúc và di sản của người xưa để lại. Việc làm này thuộc Đề án Kiến trúc  – là một trong 4 đề án lớn (Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc và Di sản) mà những năm qua Ban Văn hoá TƯ GHPGVN đề xướng và thực hiện.

Buổi làm việc tại tỉnh Tiền Giang, Phái đoàn đã đến khảo sát tại 03 điểm thuộc thành phố Mỹ Tho: chùa Pháp Bảo, chùa Bửu Lâm và chùa Vĩnh Tràng.

Chùa Pháp Bảo tọa lạc tại số 44/448 Lý Thường Kiệt, phường 5, TP. Mỹ Tho. Năm 1966, qua sự giới thiệu của cô Bảy An (là Phật tử hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy, người Mỹ Tho), gia đình ông bà Phán Lễ đã hoan hỷ cúng mãnh đất gần 01 hecta cho Hòa thượng Giới Nghiêm (Thitasìla Mahathera) là Tăng Thống Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam để làm Chùa.

Hòa thượng Giới Nghiêm ban hiệu cho chùa là Pháp Bảo (vì chùa cùng hệ thống là chùa Phật Bảo ở quận Tân Bình, TP.HCM và chùa Tăng Bảo ở Quảng Ngãi). Sau đó giao cho Hòa thượng Pháp Lạc trực tiếp đảm nhận việc xây cất.

Năm 1967, Hòa thượng Pháp Lạc xin phép Giáo hội làm lễ đặt viên đá đầu tiên, chính thức khởi công xây dựng ngôi chùa Pháp Bảo. Ngày 3/1/1968, mặc dù phần xây dựng Chánh điện chưa hoàn tất nhưng Hòa thượng đã tổ chức lễ An vị Phật và thờ 5 viên Xá lợi Đức Phật rất trọng thể dưới sự chứng minh của ngài Tăng thống Giới Nghiêm.

Năm 1974 Hòa thượng Pháp Lạc cho khởi công xây dựng cổng Tam quan. Năm 1990 cho kiến tạo thêm 04 Phật cảnh trong khuôn viên chùa gồm: Quan cảnh Phật Đản Sanh, Thành Đạo, chuyển Pháp luân và nhập Niết bàn. Năm 1997 khởi công xây dãy Tăng xá gồm 06 phòng dành cho khách thập phương dừng chân nghỉ ngơi.

Ngày 12/05/2001 (nhằm ngày 20/04 năm Tân Tỵ) Hòa thượng Pháp Lạc viên tịch tại chùa Pháp Bảo, hưởng thọ 98 tuổi (40 năm hạ lạp). Năm 2001, để tưởng niệm công đức của Hòa thượng Pháp Lạc, Thượng tọa Bửu Hiền (Vị kế tục trụ trì chùa Pháp Bảo) và môn đồ hiếu quyến cùng chư Tăng, Tu nữ, Phật tử gần xa đã hùn phước xây dựng ngôi Bảo tháp để tôn trí tượng của cố Hòa thượng Pháp Lạc trong khuôn viên chùa, ngôi bảo tháp cao 13m do Hòa thượng Viên Minh (Trụ trì chùa Bửu Long, quận 9, TP.HCM ) thiết kế.

Năm 2008, Thượng tọa Bửu Hiền cho xây dựng Trai đường mới để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tu học của Tăng chúng và Phật tử tại bổn tự. Hiện nay, khuôn viên chùa Pháp Bảo khoản 1 hecta, qua những lần trùng tu và xây dựng mới, chùa Pháp Bảo trở nên khang trang, thanh tịnh, thoáng mát thu hút nhiều Phật tử đến lễ bái và sinh hoạt tu học Phật pháp.

Chùa Bửu Lâm là một trong những ngôi Cổ tự có mặt sớm tại vùng đất Mỹ Tho còn giữ lại nhiều di tích cổ. Giai đoạn đầu từ năm 1742 – 1802 là thời kỳ ban sơ nên không còn tư liệu. Theo các long vị hiện còn tại chùa cho thấy ngôi cổ tự này đã trải qua 12 đời trụ trì.

Về kiến trúc: Ban đầu khi thành lập, chùa Bửu Lâm được xây dựng theo lối kiến trúc “nội Công ngoại Quốc”, gồm 05 nóc khang trang: Tiền sảnh, Chánh điện, Tổ đường và Tăng xá. Các cây cột được làm bằng gỗ Căm Xe và Cà Chất; kèo chạm võ đậu; đòn tay, rui, mè bằng gỗ thau lau; mái lợp ngói âm dương; nền đúc cao 1m, lát gạch tàu.

Trải qua 12 đời truyền thừa và hơn 200 năm tồn tại, với nhiều lần trùng tu nhưng chùa Bửu Lâm vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ kính thuở ban đầu. Lần trùng tu đầu tiên là năm 1803, nhưng đáng kể nhất là lần trùng tu sau cơn bão năm Giáp Thìn 1904 do Hòa thượng Như Lý tự Thiên Trường, kiến trúc đó ngày nay vẫn còn giữ lại gần như nguyên vẹn. Lần trùng tu tôn tạo lớn vào năm Giáp Tý 1984 do Hòa thượng Nhựt Chiếu tự Huệ Thông thực hiện. Năm 1994 Hòa thượng Huệ Thông cho sửa lại mặt tiền Chùa và tiếp tục tôn tạo ngôi chùa cổ khang trang và đẹp hẳn lên như chúng ta thấy hôm nay.

Hiện nay chùa Bửu Lâm thờ theo phong cách Phật giáo Bắc truyền dòng Lâm Tế Chánh Tông ở Nam bộ. Chùa được xây dựng gồm 3 phần: Tiền đường, Chánh điện và hậu Tổ, tất cả nằm trên nền cao 1m, có diện tích 987m2. Mái lợp ngói hình vảy cá gồm 2 lớp mái cách khoảng. Mặt dựng được trang trí hoa văn rất đẹp. Trên bệ thờ của ngôi Chánh điện là Tôn tượng Phật A Di Đà ngồi, gương mặt nhân hậu, xung quanh còn có các pho tượng Phật, Bồ Tát, La Hán lớn nhỏ làm bằng nhiều loại vật liệu với dáng vẻ khác nhau. Gian Chánh điện được trang trí 9 bộ bao lam với những họa tiết và đường nét tinh xảo. Bộ bao lam trước bàn thờ chánh điện chạm lộng công phu với bộ "Cửu long phún thủy" và đôi long trụ "Cá hóa rồng" sơn son thếp vàng óng ánh. Các bộ bao lam còn lại được chạm khắc mai điểu, song phụng chầu cuốn thư, mẫu đơn, chim trĩ và các họa tiết tứ linh, tứ quí, sen ... Bên cạnh đó, nghệ thuật chạm khắc gỗ còn được thể hiện trên 12 tấm hoành phi nền là một tấm gỗ dày 20cm, trên chạm 2 đến 3 lớp với hoa văn được thể hiện công phu, sinh động, xung quanh chạm tứ linh, lưỡng long tranh châu ... Đó là những tác phẩm khắc chữ nổi rất độc đáo, thực hiện bởi các đôi tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân chạm trổ cách đây trên 100 năm.

Lối xuống nhà Tổ có 3 khuôn cửa lam chạm trổ tinh tế. Ngôi Chánh điện và Hậu Tổ được nối với nhau bằng hai dãi nhà với khoản trống thông thoáng của sân thiên tĩnh được tôn trí tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Hậu Tổ tôn trí ban thờ Bồ Tát Chuẩn Đề, khám thờ long vị chư Hòa thượng Tổ sư khai sơn, truyền thừa tại chùa Bửu Lâm, tất cả đều được sơn son thếp vàng rất đẹp.

Phía sau ngôi Hậu Tổ là khu vườn Tháp – nơi an trí nhục thân chư Hòa thượng trụ trì qua các thời đại.

Chùa Vĩnh Tràng ngày nay là Trụ sở làm việc chính của BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, tọa lạc tại đường Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Chùa Vĩnh Tràng xưa vốn là chỉ là cái am nhỏ do tri huyện Bùi Công Đạt (người làm quan dưới triều vua Minh Mạng) phát nguyện xây cất vào đầu thế kỷ 19 để tu dưỡng tinh thần sau khi về hưu. Sau đó ông Huyện Đạt đến thỉnh Hòa thượng Huệ Đăng (ở chùa Giác Lâm, Sài Gòn) về trụ trì.

Năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng vận động tín đồ xây dựng thành ngôi đại tự, theo lối kiến trúc của chùa Giác Lâm, nhưng to lớn hơn, với 178 cây cột, 2 sân thiên tỉnh, 5 lớp nhà và hoàn thành vào năm 1849 với tên Vĩnh Trường, xuất phát từ hai câu đối: “Vĩnh cửu đối sơn hà; Trường tồn tề thiên địa”. Người dân vùng lân cận đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng.

Theo bảng tóm tắt, cho đến nay, chùa Vĩnh Tràng đã trải qua 14 đời trụ trì và nhiều lần được trùng tu, sửa chữa. Trong đó có các lần trùng tu lớn như:

Năm 1930 Hòa thượng Minh Đàn đứng ra trùng tu lại chùa Vĩnh Tràng với quy mô kiểu cách hài hòa giữa văn hóa xứ chùa Tháp và lối kiến trúc phương Tây như hiện nay. Đặc biệt Ngài cho xây dựng lại cổng Tam Quan, mặt tiền chùa, Chánh điện, nhà Thờ Tổ và Bảo tháp Hòa thượng Bổn sư bằng đá trắng của xứ Đà Nẳng.

Cổng Tam Quan tráng lệ do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện 1933. Chiếc cổng giữa bằng sắt lâu nay vẫn đóng kín. Hai cổng bên xây gạch vươn cao như hai tòa lâu đài cỗ. Nét độc đáo của Tam Quan chùa Vĩnh Tràng thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ để tạo nên những bức tranh với màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện tích dân gian và những đề tài Tứ quý, Tứ linh, hoa lá… Tầng lầu thượng của cổng Tam Quan có vòm cửa rộng. Bên phải đặt tượng Hòa thượng Chánh Hậu, bên trái đặt tượng Hòa thượng Minh Đàn. Cả 2 tượng này đều đắp bàng xi măng giống như người thật, do điêu khắc gia Nguyễn Phi Hoanh thực hiện.

Tháng 10/2005 (tức tháng 9 năm Ất Dậu PL.2549) BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang quyết định thay đổi 2 tượng ở cổng này, tượng Phật Di Đà thay thế tượng Hòa thượng Chánh Hậu, tượng Phật Thích Ca thay thế tượng Hòa thượng Minh Đàn. Tôn tượng của hai Hòa thượng được đem vào an trí tại nhà Tổ cho đến ngày nay.

Về tổng thể, chùa được xây dựng theo dạng chữ “Quốc” của Hán tự, giống như các chùa của ngưới Hoa, nhưng chùa Vĩnh Tràng có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt theo phong cách Pháp, nền lót gạch men Nhật Bản. Riêng chữ Hán được viết theo kiểu chữ triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích. Nhìn tổng quan bên ngoài, kiến trúc chùa là sự giao thoa giữa Á và Âu một cách lạ mắt nhưng hài hòa. Tuy nhiên, kiến trúc bên trong chùa vẫn mang đậm lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.

Ngôi chùa gồm có bốn hạng mục nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu), có diện tích 14.000m², dài 70m, rộng 20m, vách tường xung quanh được xây bằng xi măng, toàn bộ cột được làm bằng gỗ quý, nền đúc cao 1m. Riêng mặt trước của tiền đường thì được xây dựng theo lối kiến trúc hài hòa Âu – Á với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Đi vào bên trong ta sẽ thấy một màu vàng óng ánh được thếp trên các hình chạm, trên các tượng Phật. Đáng chú ý hơn cả là những đôi long trụ trong ngôi chánh điện, đó là những cây cột tròn to, bằng gỗ quý kiến trúc theo kiểu "thượng thu hạ cách".

Phía trong ngôi chính điện và nhà tổ làm theo kiểu Trung Quốc nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc Việt Nam và kiểu nhà Nam bộ năm gian hai chái; Nối hai ngôi này là hai dãy Đông, Tây lang một giếng trời có hòn non bộ ở giữa. Đứng trên hòn non bộ nhìn về mặt sau ngôi chánh điện, hai bên nhà cầu, mặt trước nhà tổ, ta sẽ thấy lối kiến trúc Rôma với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ kiểu Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những cột xây bằng xi măng kiểu cách.

Chùa còn bảo tồn 60 tượng quý, được tạo tác bằng đồng, gỗ, đất nung; và tất cả đều được thếp vàng rực rỡ; Trong đó có giá trị nghệ thuật nhất là bộ tượng mười tám vị La hán nằm ở hai bên tường chánh điện được tạc từ gỗ mít vào đầu thế kỷ 20, mỗi tượng cao khoảng 0,8m, bề ngang gối là 0,58m. Bộ tượng này do tài công (thợ) Nguyên cùng học trò chạm khắc mang nét riêng của khu vực, là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng tròn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi vị La Hán cưỡi trên lưng một con mãnh thú, tay cầm bửu bối, tượng trưng cho các giác quan mà giáo lý nhà Phật gọi là “lục căn” (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý).

Chùa có 3 tượng đồng (Di Đà, cao 98cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93cm) được tạo tác giữa thế kỷ 19; bảy bộ bao lam tuyệt đẹp thếp vàng chạm hình Bát tiên, thần Mặt trời và thần Mặt trăng, do các nghệ nhân địa phương chạm trổ công phu vào khoảng 1907-1908. Ngoài ra, còn có chiếc đại hồng chung mang tên Pháp Bảo Chuông cao 1,2m, nặng khoảng 150kg được đúc giữa tháng 5 năm 1854 trên thân có khắc chữ "Vĩnh Trường Tự". Rất tiếc là chuông không còn sử dụng được vì nằm lâu dưới nước trong thời gian bị thất lạc.

Trong chùa hiện nay còn hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị. Tuy ảnh hưởng tranh vẽ Trung Quốc nhưng những bức vẽ này mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình "mai, lan, cúc, trúc", hình phong cảnh Việt Nam rất nên thơ. Đó là công trình của Long Giang cư sĩ phác họa năm 1904. Những bức hoành, câu đối trong chùa được điêu khắc chữ nổi thếp vàng như những chữ "Hoàng kim bửu điện" được khắc từ 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp.

Phía trong Nhà Tổ, ngoài những hàng cột với những cây gỗ quý, ở mỗi gian đều có gắn bao lam chạm trổ rất công phu, những câu liễng đối được viết bằng chữ Hán rất đẹp. Phía trước nhà Tổ là trai đường thờ Bồ tát Chuẩn đề; Bên trong là ban thờ chư Hòa thượng tiền bối trụ trì và tu tập tại Chùa; Hai ban tả hữu là ban thờ chư vị Ưu bà tắc, Ưu bà di có công đóng góp xây dựng trùng hung chùa Vĩnh Tràng.

Phía sau Nhà Tổ là Ban thờ Ông Giám, kế đến có một giếng trời nữa cùng hai dãy nhà  nối liền với Nhà Hậu, nơi hiện nay được sử dụng làm Nhà Bếp. Tiếp theo nhà bếp là khu nhà ăn dành cho Phật tử.

Theo các chuyên gia văn hóa thì vẻ đẹp của Chùa tập trung ở nghệ thuật tạo hình và có thể xem chùa Vĩnh Tràng là sự phản ánh lịch sử mỹ thuật của đất Tiền Giang.

Năm 1983 BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang chính thức thành lập, chùa Vĩnh Tràng được chọn đặt Trụ sở Văn phòng làm việc của Phật giáo tỉnh nhà.

Năm 2002, sau khi đảm nhận chức vụ Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang cũng là Trưởng ban Trụ trì chùa Vĩnh Tràng; Hòa thượng Thích Huệ Minh từng bước trùng tu các công trình bên ngoài ngôi Chùa như: làm hàng rào bao bọc xung quanh khuôn viên Chùa, Giảng đường, Bảo tháp và các Đại tượng như hiện nay, góp phần làm cho khuôn viên chùa Vĩnh Tràng ngày thêm tố hảo.

Một số hình ảnh ghi nhận được trong buổi làm việc chiều nay tại các tự viện:

  • Hình ảnh tại chùa Pháp Bảo

  • Hình ảnh tại chùa Bửu Lâm

  • Hình ảnh tại chùa Vĩnh Tràng:

 Ban TT-TT Phật giáo Tiền Giang

Download Android Download iOS
Bình Thuận: Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện tổ chức khám bệnh, tặng quà đến các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương

PSO - Hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước và 138 năm ngày Quốc tế lao động, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện (Hàm Tân, Bình Thuận) kết hợp với đoàn Y, Bác sĩ phòng khám Đa khoa Trí Việt (TP.HCM) tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc và tặng quà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa p

Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online