12/02/2019 22:08

TT. Huế: Tưởng niệm 40 năm Cố Đệ nhị Tăng thống Thích Giác Nhiên viên tịch

PSO - Sáng ngày 05.01 Kỷ Hợi (09.02.2019) tại Tổ đình Thiền Tôn, thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế, chư Tăng bổn tự, chư Tăng Ni đệ tử đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm ngày đức Đệ nhị Tăng thống Thích Giác Nhiên viên tịch (1979-2019) .

Lễ Tưởng niệm diễn ra trang nghiêm với sự Chứng minh của chư Tôn đức Giáo phẩm, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế; chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế; tỉnh Quảng Trị; chư Tôn đức Tăng Ni các tổ đình, tự viện, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất trên địa bàn tỉnh, Quảng Trị và các tỉnh thành lân cận; cùng đông đảo Đạo hữu Phật tử và ngoài tỉnh.

Trước Bảo tháp uy nghi với lời vàng quyện khói trầm nhang thoảng nhẹ hương thiền, tứ chúng qui tụ về ngọn núi Thiên Thai để nghe lòng ấm lại sau một năm dài chen bước đạo đời. Trong khí thiêng thiền vị này, chư Tăng môn đồ đã ôn lại hành trạng cuộc đời và đạo nghiệp của Cố Đệ nhị Tăng Thống tại bảo tháp của Ngài để hậu thế khỏi bị phai mờ, ngỏ hầu làm kim chỉ nam trên lộ trình phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Theo tiểu sử, Hòa thượng Thích Giác Nhiên, thế danh Võ Chí Thâm, sinh ngày 7 tháng 1 năm 1878, tại làng Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Con của cụ Võ Văn Xưng và bà Trần Thị Diêu. Ngài sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo Phật giáo.

Năm 18 tuổi (1896), Ngài vào chùa Từ Hiếu xin xuất gia, thờ Hòa thượng Tâm Tịnh làm Bổn sư.

Năm 20 tuổi (1898), được Bổn sư xuống tóc cho thọ Sa-di giới và ban Pháp danh Trừng Thuỷ, Pháp tự Chí Thâm, Pháp hiệu là Giác Nhiên.

Tại Huế, Sau hai mươi ba năm tu học, Ngài chuyên tâm nghiên cứu tinh yếu của Kinh Luật Đại thừa, đặc biệt, Ngài đã sử dụng phần lớn thời gian trong việc Thiền định. Vì thế, đạo phong của Ngài ngày càng đượm nét Thiền sư.

Đến năm Canh Tuất (1910), Triều Duy Tân, Ngài cùng với Hòa thượng Tịnh Khiết thọ Tam đàn Cụ túc Giới đàn chùa Phước Lâm (Hội An). Đại giới đàn này do ngài Vĩnh Gia làm Đàn đầu, ngài Tâm Truyền làm Yết ma và Ngài Hoằng Phú làm Giáo thọ. Sau đó Ngài đắc Pháp, hiệu Giác Nhiên và được Bổn sư cho kệ:

覺 性 自 天 然 色 空 不 現 前 勿 礙 閒 人 事 勤 修 本 理 禪。

Phiên âm:        Giác tánh tự thiên nhiên, Sắc không bất hiện tiền. Vật ngại nhàn nhơn sự Cần tu bổn lý thiền. 

Nguyên Hồng dịch:

Tính giác vốn tự nhiên Sắc không chẳng hiện tiền Ngại chi trò thế sự Siêng tu diệu lý thiền.

 Từ đó, giới đức tinh nghiêm, pháp thân thanh tịnh là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời hoằng hoá của Ngài sau này.

Lúc Ngài được 32 tuổi đời thì Bổn sư viên tịch. Ngài phải tìm đến chùa Thiên Hưng để cầu xin học đạo với Hòa thượng Huệ Pháp. Từ đó đạo hạnh của Ngài càng sáng lên, khắp Thiền lâm đều ngưỡng mộ về Thiền và Luật của Ngài, cũng như phương pháp tu trì của Ngài.

Năm Kỷ Mùi (1919), Ngài được Bộ Lễ cử về làm Trú trì Thánh Duyên Quốc Tự, sau đó lại được "Chỉ" của vua Khải Định cử làm Tăng cang chùa này.

Năm 1932, Hòa thượng là một trong năm vị Tăng-già đã cùng với 17 Cư sĩ lập ra An Nam Phật học Hội tại Huế. Ngài cũng ở trong Hội đồng Chứng minh đại đạo sư cho Hội này. Ngài đã cùng với Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập ra Viên Âm Nguyệt San để Hoằng truyền Chánh pháp.

Vào năm 1935, Ngài là một trong những vị lập trường Đại học Phật giáo tại chùa Tây Thiên, cung thỉnh Ngài Phước Huệ ở Tổ đình Thập Tháp ra làm "Giáo thọ sư" và Ngài làm giám đốc. Lớp này đào tạo được nhiều vị Cao Tăng như các ngài Thiện Hòa, Thiên Hoa từ trong Nam ra học; các ngài Trí Thủ, Đôn Hậu, Chánh Thống, Mật Nguyện, Mật Hiển, Thích Vĩnh Thừa ở Huế.

Năm 1936, Triều đình phong cho Ngài lên chức Tăng Cang Thánh Duyên Quốc tự. Cùng năm đó, Tạp chí Viên Âm, phương tiện Hoằng pháp của Phật giáo, do Ngài và Hòa thượng Giác Tiên chứng minh.

Năm 1937, do uỷ nhiệm của các vị Tôn đức Thiền gia, Ngài nhận chức Trú trì Tổ đình Thuyền Tôn (Thừa Thiên). Tổ đình này, thuộc phái Lâm Tế, do Tổ Liễu Quán khai sơn vào khoảng năm thứ IV niên hiệu Vĩnh Thịnh (1708).

Năm 1956, Ngài được Giáo hội Phật giáo Trung phần cung thỉnh vào chức vụ Viện trưởng Phật học viện Hải Đức – Nha Trang (Cơ quan đào tạo Tăng tài của Phật giáo Trung phần).

Năm 1958-1962, Ngài liên tiếp đảm nhận chức Chánh Hội trưởng Tổng Trị sự Hội Phật giáo Trung Phần trong suốt 4 niên khoá. Trong thời gian này, với tuổi trên 80, Ngài vẫn chu toàn nhiệm vụ, kinh lý, nhiều lần đến các Hội Phật giáo khắp nơi ở Cao nguyên và Trung nguyên.

Xúc động hơn nữa, cũng chính Ngài, năm 86 tuổi, sức yếu thân gầy, trong tay chiếc gậy trúc, Ngài không từ nan, quyết một lòng hy sinh vì Đạo, đích thân dẫn đầu cuộc biểu tình của Tăng tín đồ Phật giáo Thừa Thiên – Huế, mở đầu phong trào vận động đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng Tôn giáo vào chiều 14 tháng 4 năm 1963 (Quý Mão). Trong công cuộc vận động và đấu tranh, Ngài đã không ngừng chung lưng đấu cật, chia sẻ đắng cay cùng với phong trào cho đến ngày thành tựu mỹ mãn.

 Một công việc Hoằng pháp trọng yếu hơn nữa, Ngài đã nhiều lần làm Đàn đầu Hòa thượng truyền giới cho đồ chúng xuất gia tại gia qua các Đại Giới đàn: Giới đàn Hộ Quốc tại Phật học viện Trung phần, chùa Hải Đức, Nha Trang (1956); Giới đàn Vạn Hạnh tại chùa Từ Hiếu, Huế (1965), Giới đàn Vĩnh Gia tại Phật học viện Phổ Đà, Đà Nẵng (1970).

Môn đồ của Ngài không nhiều, người còn kẻ mất, đều đã góp công làm nên lịch sử Phật giáo hiện đại, và hầu hết là những cấp lãnh đạo của Giáo hội từ Trung ương đến các Miền, Tỉnh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như Hòa thượng Thiện Siêu, Hòa thượng Thiện Minh, Hòa thượng Thiện Bình...

Trang trải quá nửa đời người, nghịch cảnh, chướng ngại vẫn còn bủa vây Giáo hội cùng dân tộc. Tuy nhiên, nhất thâm nhật hậu, với bản chất cố hữu “Vô ngôn bất động” của Ngài qua Giới, Định, Tuệ, đã tạo nên một sức mạnh nội tại phi thường như để tiếp sức cho những đứa con tinh thần, đang trên đường làm sứ mệnh Phật giáo Việt Nam.

Rồi tin ngừng bắn được loan đi vào ngày 28-1-1973, đất nước rẽ sang một giai đoạn mới, từ đó, Giáo hội cũng bắt đầu đối mặt với một hoàn cảnh khá phức tạp và tế nhị. Không bao lâu, sau khi đức đệ nhất Tăng Thống của Giáo hội thị tịch (1973) – sinh hoạt của Giáo hội trở nên chông chênh không người lèo lái. Trước hoàn cảnh đó, Ngài đã nhận chức vụ Đệ nhị Tăng Thống do Đại hội Phật giáo kỳ V suy tôn vào ngày 10 tháng 12 năm 1973, trong chí nguyện Thiệu Long Tam Bảo, để kế tục lãnh đạo Giáo hội. Đây là chức vụ vừa tối cao, và cũng là cuối cùng của đời Ngài.

Mặc dầu công việc đối ngoại của Giáo hội đa đoan và phức tạp, Ngài vẫn không xao lãng việc Nhiếp hoá đồ chúng. Ngài từng huấn dụ Tăng Ni: “Đạo Phật tồn tại, không chỉ ở hình thức Chùa Tháp, Lễ nghi, Kinh điển. Mặc dù Kinh điển là chỉ nam hướng dẫn ta đến đạo quả vô thượng Bồ đề. Nhưng sự tồn tại đích thực chính là ở sự thể hiện Đạo phong. Những nếp sống gương mẫu của các bậc Tăng-già nghiêm trì giới luật và biết tận lực phục vụ Chánh pháp, để Chánh pháp mãi mãi tồn tại với thế gian và làm lợi ích chúng sanh...” (Thư gửi Tăng Ni, nhân mùa An cư PL.2520 – 1976).

Thật vậy, mặc dầu đã 102 tuổi, nhưng nơi Ngài không hề thấy có triệu chứng thông thường của những bậc luống tuổi. Pháp thể tuy có gầy ốm nhưng Ngài vẫn đi đứng bình thường. Dáng đi mạnh mẽ khoan thai, oai nghiêm đĩnh đạc, không phiền người dìu dắt, không hề nắm gậy, ngồi hàng giờ lưng không biết đau, gối không biết mỏi. Mắt không mờ tai không lãng, nói năng rõ ràng không hề lẫn lộn và trí tuệ minh mẫn một cách lạ thường.

Mắt mờ, tai lãng, gối mỏi, lưng đau, nói năng lẫn lộn, trí nhớ mất đi và đi đâu phải chống gậy, đó là những triệu chứng thường tình, có ở nơi các bậc luống tuổi. Nhưng ở Ngài thì không. Phải chăng nhờ công hạnh tu trì của Ngài đã làm thay đổi được những triệu chứng thường tình của thế nhân. Ngần ấy đức tánh đặc hữu nơi Ngài, đủ làm chúng ta kính phục và tăng trưởng đạo tâm.

Trong dịp đầu Xuân Kỷ Mùi khi HT. Đôn Hậu – Chánh Thư ký Viện Tăng Thống và quý Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức trong Giáo hội Thừa Thiên đến Tổ đình Thuyền Tôn đảnh lễ và Chúc Thọ đầu năm (04-01-Kỷ Mùi). Hôm đó trời trở lạnh, Ngài đang nghỉ, HT. Đôn Hậu và Ban Đại diện Giáo hội vào tận chỗ nghỉ. Ngài hỏi bằng một giọng nhẹ nhàng và vô cùng cảm mến: “Ai đó?”. Sau khi được trình lại, Ngài sửa soạn định ngồi dậy, HT. Đôn Hậu: “Xin thỉnh Ôn cứ nằm, cho phép chúng con được đảnh lễ chúc Thọ đầu năm”. Ngài dạy: “Để tôi ngồi dậy một tí với các Thầy, nằm ri e không phải lễ với các Thầy chừ”. Đoạn Ngài ngồi dậy, nhìn quanh rồi hỏi: “Thầy Đức Tâm mô, sao không vào cho tôi thăm với?”. (Hôm đó thầy Đức Tâm, Phó Đại diện Giáo hội tỉnh TT. Huế bị bệnh, không đi được). Ngần ấy lời lẽ, đủ thấy Ngài sáng suốt đến chừng nào.

Sau lễ Chúc thọ, như một vị Bồ-tát “Dự tri thời chí”, linh cảm trước được sự ra về vĩnh viễn của mình, Ngài ân cần dạy bảo những lời đầu năm vô cùng xúc động: “Tôi nay tuổi đã già rồi. Tôi thấy sức khoẻ tôi kém nhiều, chưa biết chừng sự chết sẽ đến nay mai. Nay, nhân dịp đầu năm, HT và các Thầy đến thăm tôi, tôi xin cảm ơn và xin cầu Phật gia hộ HT và các Thầy nhiều sức khoẻ, cố gắng kiên nhẫn trước mọi nghịch cảnh để phục vụ Giáo hội, dìu dắt Tăng Ni tín đồ tu niệm. Tôi thật không có gì vui mừng hơn.”

Ngờ đâu, lời huấn thị đầu Xuân và cũng là lời Di giáo tối hậu của Đức Tăng Thống. Chỉ vỏn vẹn một ngày sau, và cũng chỉ sau vài giờ pháp thể khiếm an, Ngài dạy: “Vô thường thị thường” rồi an nhiên xả báo thân vào hồi 6 giờ 30 ngày 6 tháng giêng năm Kỷ Mùi (01-02-1979). Ngài hưởng thọ 101 tuổi đời, 68 Hạ lạp. Bảo Tháp của Ngài hiện tôn trí tại khuôn viên Tổ đình Thuyền Tôn - Huế.

                                                Bài viết có sử dụng tư liệu tiểu sử

                                                                Lê Văn Ái Tử

Download Android Download iOS
An Giang: Tổ đình Phi Lai tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch

PSO - Sáng 24/2 (tức ngày Rằm tháng 2 năm Giáp Thìn), dưới sự chủ trì của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Môn phong Tổ đình Phi Lai (An Giang) trang nghiêm tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch.

An Giang: Tổ đình Phi Lai tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch

PSO - Sáng 24/2 (tức ngày Rằm tháng 2 năm Giáp Thìn), dưới sự chủ trì của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Môn phong Tổ đình Phi Lai (An Giang) trang nghiêm tưởng niệm 91 năm Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền viên tịch.

Thái Bình: Ký kết chương trình phối hợp giữa Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh

PSO - Chiều ngày 27/3/2024 (18/02/Giáp Thìn), tại trụ sở Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình giai đoạn 2024 - 2029.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online