[Video] CUỘC THI VIẾT CẢM NHẬN “TÔI LÀ PHẬT TỬ”: LÊ VĂN HOÀI | TỪ THUẬN

CUỘC THI HỌC PHẬT HIỂU PHÁP

CHỦ ĐỀ: TÔI LÀ PHẬT TỬ

BÀI THI: TÔI LÀ PHẬT TỬ

MÃ SỐ BÀI DỰ THI: TLPT (11)

Có người hỏi tôi, tại sao hiện nay trên thế giới có rất nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng tôi lại theo Đạo Phật để tu học? Bởi điều cốt lõi là tôi theo đạo Phật để tìm ra ánh sáng chân lý, ánh sáng của trí tuệ, hiểu sâu và tin nhân quả. Truy tìm nguyên nhân đưa đến quả khổ, học cách làm thế nào để diệt khổ trên con đường đi đến giác ngộ. Giải thoát cho bản thân ngay nỗi khổ nơi mình đang sống, đang còn hơi thở, nơi cái dòng sông đang chảy cuồn cuộn hết tối lại đến sáng, hết đêm tới ngày,... Lúc nhỏ, tôi cứ nghĩ đạo Phật đơn giản lắm, chỉ cần đi chùa vào các ngày rằm để lạy Phật, sám hối và cầu cho gia đình an vui hạnh phúc, hay ăn chay vào ngày ba mươi, mùng một âm lịch. Thế nhưng, khi lớn lên có chút hiểu biết và có duyên lành với đạo, tôi thường hay đi chùa và nghe quý Thầy, quý Cô giảng pháp, từ từ tôi hiểu Phật pháp hơn, tin nhân quả hơn. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và an tâm khi nương nhờ vào giáo lý đạo phật, từ đó tôi hiểu hơn về nhân quả và tôi vững bước hơn trên con đường giác ngộ giải thoát. Nhờ vậy mà tôi cố gắng thực tập lời dạy của Đức Phật, cố gắng tinh tấn công phu, công quả khi có thời gian rảnh. Ðạo Phật trong nhận biết của tôi không phải là một tôn giáo theo ý nghĩa thông thường mà là phương pháp, là con đường đưa đến sự giác ngộ, sự thể hiện chân lý qua tri thức và hành động thực tiễn. Tôi kính thờ Ðức Phật, tập sống theo giáo lý vi diệu của Ðức Phật, tìm đến và nương theo sự hướng dẫn ở các bậc tu hành chân chính, quán sát, học hỏi nơi các vị thiện tri thức, các huynh đệ đồng tu, hầu gom góp bổ sung cho vốn tri thức hạn hẹp của mình, để có thể vận dụng vào thực tiễn đời sống hằng ngày. Ðâu đâu tôi cũng nhận được những bài học quý báu đáng để học hỏi và thực tập theo. Tôi tin rằng mình đang đi đúng đường là tìm đến sự giác ngộ giải thoát bằng việc tu tập mỗi ngày, bằng việc luôn giữ tâm khiêm nhường, thấy mình là tầm thường nhỏ bé như cát bụi, biết yêu thương tất cả mọi loài từ chim trong rừng, cá dưới nước đến những người xung quanh mình. Bản thân tôi rất tin nhân quả và luôn cố gắng thực hiện các nguyện lành cũng như tránh xa các điều cấm trong giới luật của người Phật tử tại gia mà Đức Phật đã dạy. Trong nhận thức và quan niệm của tôi thì Đức Phật là một vị tu hành chân chính, và là bậc chân tu giác ngộ hoàn toàn. Còn tượng Phật biểu trưng cho chân lý, cho ánh sáng với đầy đủ từ bi, hỷ xả, trí tuệ, hùng lực của Người. Mỗi lần được chiêm bái tượng Phật, tôi lại xúc động và biết ơn Người, vì nhờ Người mà thế hệ sau mới có chỗ nương theo mà đi tìm con đường bát chánh đạo. Tôi luôn cố gắng nương theo Thầy, theo các huynh đệ để có thể học hỏi giáo lý của Người một cách chính xác nhất. Tôi luôn dành thời gian rảnh của mình soi lại bản thân, để có thể sửa chữa và khắc phục những lỗi lầm đã gây ra. Tại sao lại phải biết lỗi của mình? Bởi vì, ta thấy rằng trong cuộc sống tu hành, nhiều người rất hiểu kinh luận, thuyết giảng hấp dẫn cũng như nói về luật nhân quả rất hay, nói về tội phước và mục tiêu giải thoát giác ngộ rành mạch. Tuy nhiên, nhiều người hiểu biết rộng sâu nhưng không bao giờ biết nhìn nhận lỗi của mình. Nhưng người có trí tuệ, họ phát hiện và thấy được lỗi của mình từ trong mầm mống nội tâm sâu kín. Bởi lẽ, ta phải tự soi xét, sửa chữa những lỗi lầm, sám hối và phát nguyện không phạm phải những lỗi ấy để bản thân ngày càng tiến bộ hơn trên con đường tu học giải thoát. Với dòng đời ngày càng hối hả theo nhịp sống đô thị, thì việc bản thân dễ sa ngã vào các con đường xấu khá dễ dàng, vì thế tôi luôn cố gắng từng ngày để thực hành và tu tập, mong tiến bộ hơn trên con đường tu học của bản thân. Mỗi khi tôi đặt chân đến một ngôi Chùa nào đó, tôi luôn bày tỏ sự yêu mến với ngôi chùa cũng như thể hiện sự kính trọng với các vị Tăng, Ni ở đó. Bởi lẽ, được đặt chân đến Chùa, được chiêm bái và lễ Phật là bản thân mình đã có nhân duyên với trú xứ đó nên càng phải trân trọng hơn. Đức Phật ngự trị trong tâm trí tôi không phải là một vị thần linh để cầu xin, mà đối với tôi, Đức Phật là “Người thông đạt chân lý”, là bậc đã giác ngộ. Càng hiểu rõ như thế thì bản thân mỗi người phải cố gắng hành trì, tu tập theo giáo lý của Đức Phật. Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy: “Các người hãy tự cố gắng, Như Lai chỉ là người dẫn đường”. Trước khi biết đến Đạo Phật, biết đến giáo lý của Người. Tôi luôn trách, tại sao cuộc sống không công bằng, và tôi luôn đặt nhiều câu hỏi tại sao? Tại sao người ấy đẹp mà ta xấu? Người kia giàu mà ta nghèo? Người ấy sướng mà ta khổ? Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu? Có người thông minh, có người ngu muội? Có người hiền lương, có kẻ ác độc? Tại sao và tại sao? Để cho dễ dàng thì tôi cho rằng, mọi thứ trên đời đều do ông trời sắp đặt. Nhưng nhờ biết đến Đạo Phật, biết đến giáo lý của Người, mà tôi mới hiểu ra mọi vấn đề đều do nhân quả chi phối. Bởi thế, tôi cố gắng làm nhiều công đức lành, tranh thủ thời gian rảnh vào chùa phụ công quả, cố gắng công phu tu tập… Giáo lý của Đức Phật còn cho tôi thấy được tất cả mọi thứ trong cuộc sống này đều là hư ảo, có đó rồi mất đó. Chẳng hạn, có một vị doanh nhân rất giàu có, vợ đẹp, con ngoan, có địa vị trong xã hội được mọi người kính nể. Đến một ngày, vợ anh đột ngột qua đời vì đột quỵ, lúc đó anh như chết lặng và cảm thấy rất buồn chán nên không tập trung làm việc, rồi dần dần anh vướng vào cờ bạc, rượu chè, bài bạc và kết quả là anh lâm vào cảnh nợ nần đến nỗi phá sản. Vì lâm vào đường cùng, anh ta cho rằng tại ông trời bất công với anh, cho anh mọi thứ rồi lại đột ngột lấy đi của anh, khiến anh tay trắng. Nhưng nếu ngay từ đầu anh tin sâu nhân quả, cố gắng cần mẫn, chí thú làm ăn, trân trọng những gì đang có thì sẽ không có cảnh như hôm nay. Đó là ví dụ điển hình cho ta thấy, nhân quả luôn công bằng, phước và nghiệp mới là thật sự đi theo ta mãi mãi. Chúng ta phải hiểu rằng: sinh, lão, bệnh, tử là quy luật trong cuộc sống mà bản thân mỗi người đều phải trải qua. Tôi quyết tâm đến với Đạo Phật vì muốn tìm thấy ánh sáng, tìm thấy chân lý để học tập và trau dồi đạo đức cho bản thân. Trước hết là để trở thành một người có đủ đức và tài để làm người hữu ích cho đất nước, cho xã hội. Nhưng quan trọng nhất, tôi muốn hướng đến sự giác ngộ thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Tôi tự mình sám hối, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền khi có thể để đối trị tâm ích kỷ, kiêu mạn của bản thân. Chẳng văn chương nào có thể diễn tả hết được cảm xúc của mình khi được về với mái chùa thân thương, về bên huynh đệ, cùng nhau quây quần chia sẻ những bài học giáo lý thâm sâu. Được phụng sự hết mình với lòng nhiệt huyết và sự tận tụy cống hiến cho đạo Pháp. Về với ngôi “già lam” thì thật sự rất hạnh phúc và thiêng liêng vì nơi ấy có sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau của huynh đệ, có tình yêu thương vô bờ bến của Quý Thầy Cô, và đặc biệt nơi ấy không có sự tính toán ganh ghét hơn thua mà tất cả đều vì cống hiến cho Đạo Pháp. Về nơi ấy, lòng tôi như nhẹ đi hẳn, tôi không còn lo lắng hay sợ hãi bất cứ điều gì. Thay vào đó, tôi hoan hỷ làm việc cùng mọi người, tinh tấn học Kinh, nghe Pháp để có thêm kiến thức về lời Phật dạy. Tôi còn nhớ rất rõ, lần đầu tiên đặt chân đến ngôi chùa quê gần nhà, vừa bỡ ngỡ, vừa thân thiết. Bỡ ngỡ vì đó là lần đầu đến chùa không quen biết ai, không biết phải làm cái này thế nào, cái kia thế nào. Còn thân thiết là vì được các cô chú, huynh đệ và Quý Thầy Cô hướng dẫn nhiệt tình, chỉ tôi cách làm việc này, việc kia, nhắc tôi hôm nay tụng kinh gì… Tất cả đã cho tôi thấy được sự ấm áp tình huynh đệ với nhau. Ai chẳng có nỗi buồn của bản thân, nhưng khi được hòa mình với lời kinh, tiếng kệ, từng thời khóa ngồi thiền cùng đạo tràng thì tôi càng thấm sâu đạo lý của Phật hơn, càng tinh tấn tu hành hơn. Tôi chẳng thể diễn tả hết được cảm xúc của bản thân khi được đủ nhân duyên lành biết đến Phật Pháp và trở thành con của Đức Phật, tôi chỉ biết cố gắng mọi thời gian có thể để học giáo lý và thực tập theo lời Phật dạy. Hy vọng, tất cả mọi người có thể biết đến Phật Pháp, tin sâu nhân quả, biết làm lành tránh dữ, biết công phu tu tập mỗi ngày để thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Bởi lẽ, cuộc sống này là “quán trọ” tạm thời mà mỗi người trong chúng ta “thuê ở”, nếu chúng ta cứ nhìn vào cuộc sống này và cho rằng mọi thứ là của ta và không tinh tấn tu tập thì đến một ngày nào đó, khi đã hết phước thì phải rời “quán trọ” ấy mà luân hồi trong các nẻo tùy vào nghiệp lực đã gây tạo. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.  
Download Android Download iOS
QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online