[Video] CUỘC THI VIẾT CẢM NHẬN “TÔI LÀ PHẬT TỬ”: NGUYỄN THỊ VÂN | CHÚC VẠN TƯỜNG

CUỘC THI HỌC PHẬT HIỂU PHÁP

CHỦ ĐỀ: TÔI LÀ PHẬT TỬ

BÀI THI: TÔI LÀ PHẬT TỬ

MÃ SỐ BÀI DỰ THI: TLPT (36)

Ngoại mất khi tôi vừa học xong lớp 5. Lần đầu tiên tôi thấy người ta liệm và tôi đã khóc thét lên: Đừng bỏ ngoại con vô thùng! Dù lúc đó tôi chẳng hiểu gì cả, cũng không mường tượng được thế nào là chết, nhưng trong sâu thẳm gợn lên nỗi xót xa và bất mãn cùng cực! Sự phi lý của cái chết luôn ám ảnh mỗi khi tôi thức giấc và cái tư tưởng: mình cũng sẽ bị bỏ vô thùng, thỉnh thoảng lại tác động đến tâm tư, nhận thức vốn còn rất “sơ sinh” của tôi, nó luôn làm niềm vui của tôi bỗng dưng trở thành nỗi buồn vô cớ… cho đến khi bận rộn với những bộn bề lo toan trong cuộc sống, tôi như không còn nghĩ nhiều về điều đó nữa (vô thường). Lúc này những vấn đề về tôn giáo hay tâm linh vẫn chưa được hình thành trong tôi. Tôi chỉ biết đến hai chữ “Đạo Phật” khi điền vào lý lịch: “Bạn thuộc tôn giáo nào?” mà thôi! Và chữ “Phật” lướt nhẹ qua tâm trí tôi như làn gió thoảng trong hư không vô biên rộng lớn. Sau này, mỗi lần nghĩ lại, tôi giật mình kinh hãi: Nếu như mình sinh vào một gia đình không phải đạo Phật thì bây giờ sẽ ra sao? Liệu mình có đủ duyên lành để thoát khỏi những thường kiến, đoạn kiến đó chăng? Và liệu mình có đủ trí tuệ để bứt phá khỏi sự trói buộc của những tà kiến mê lầm hay không? Lúc đó, tôi vẫn còn đứng bên ngoài cánh cửa của sự thật, và thờ ơ với sự rộng mở của chân lý huyền vi… Cho đến khi - khúc bi ai của cuộc sống bắt đầu gảy lên cung đàn thê lương réo rắt, tôi hoàn toàn thúc thủ trước trận địa phiền não. Ngỡ rằng thăng trầm chỉ là cung bậc, ngờ đâu: được, thua, còn, mất… lắm chua cay! Ai cũng cho rằng trên ý muốn là định mệnh (thuyết an bài) khổ vui là lẽ thường (ta sao mình vậy) nhưng khi tám gió (lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc) đến rồi mới giật mình biết nó là cuồng phong. Ngày cầm bản án tử hình trên tay, tôi tự hỏi mình đang sống hay đang chết? Khi mà vô vàn những đắng cay, tủi nhục đang úp chụp lấy tôi cùng một lúc (khổ chồng khổ)? Tôi như con thú bị trúng thương, chỉ biết oằn người lên, rồi rủ riệt ngã xuống trước sự truy đuổi kịch liệt của khổ đau! Tôi thực sự bị nhấn chìm bởi sức mạnh của nghiệp quả (quả bảo chướng)… Hình như có cái gì đó tên là bất công luôn làm tôi sợ hãi! Tôi chỉ có thể nói rằng, nếu giới hạn bài viết là trăm ngàn từ thì cũng không đủ để giãi bày hết những nghiệt ngã của cuộc đời (Khổ Đế). Tôi ngờ nghệch tin rằng, mình có thể chạy trốn khổ đau, nhưng nào hay mình chỉ di dời nó từ nơi này sang nơi khác. Tôi đâu biết rằng chỉ khi nào biết được nguyên nhân của nó (Tập Đế) thì mới có thể thoát khỏi nó (Diệt Đế). Lúc nào và nơi đâu tôi cũng xem mình là nạn nhân, nên mặc tình thét gào và đổ lỗi, giá như tôi biết rằng mình chính là tác giả của sự sáng tạo vụng về này, thì tôi đã không làm mọi thứ trở nên mờ mịt trước bão tố tham sân si, giá như tôi hiểu được rằng mình chính là chủ nhân của nghiệp, thì tôi đã không trả quả bằng thái độ chống đối (phiền não chướng) để rồi chính phiền não mà chúng ta tự tạo đó đã lôi kéo và điều động chúng ta lang thang bất tận trong sinh tử luân hồi! …Nhìn chiếc đồng hồ gõ từng nhịp trong phòng hồi sức và chỉ có nó là đối tượng duy nhất để tôi chú tâm vào mà quên đi cái đau của thân xác... Lúc mọi ý niệm dừng lại, tôi không còn muốn suy nghĩ gì nữa, tự nhiên một cảm giác nhẹ nhàng khó nói xuất hiện trong tâm… “Như người mù đi trong đêm tối gặp đèn sáng”, tôi cảm thấy có điều gì đó đang đến với tôi, và cũng chính cái điều gì đó thôi thúc tôi phải đặt vấn đề cho những dấu hỏi lớn của cuộc đời, cũng như về một sự thật mà nó từng nhen nhúm từ lâu. Tôi chợt nhận ra tính chất vô thường của đời sống và cũng chính ở chỗ biến chuyển và sinh diệt đó đã đưa tôi đến ánh sáng của nội tâm, nơi mà ở đó bấy lâu nay tôi mải miết thăng trầm với thế giới nội tại tối tăm của mình - một cách tuyệt vọng! Tôi tự hỏi làm sao có thể tách mình ra khỏi nó được đây, khi mà tôi chỉ biết tiếp xúc với nó qua con đường cảm xúc nhị nguyên? Tôi bắt đầu đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật trên tinh thần “cầu an, thoát nạn” với mong muốn kéo dài sự sống để lo cho các con được “đến nơi, đến chốn”! Dù niềm tin lúc này chỉ 50-50, nhưng tôi vẫn hết sức tinh tấn, càng ngày lời cầu nguyện của tôi càng dài hơn, nhưng tôi vẫn canh cánh: liệu có bỏ sót một “Điều khoản” nào chưa được kê khai vào sớ hay chăng? (Tôi lại tham nữa rồi, buông thì ít mà muốn thì nhiều?). Người ta gọi tôi là Phật tử (dù lúc này tôi chưa hiểu gì lắm), nhưng bản thân tôi không tự đồng ý, vì một lẽ đơn giản: con Phật - thì phải giống Phật, không nhiều thì ít, nhưng tôi chưa hiểu thì sao làm, chưa làm thì sao giống? Tôi không tự nghiêm khắc rằng mình phải thế này hay thế kia mới đúng, nhưng với tôi, tôi muốn mình cần hoàn thiện bản thân hơn nữa để danh xưng cao quý này không bị mình làm cho ô uế. Thật ra nếu không nhờ vào căn bệnh hiểm nghèo, có lẻ tôi đã không đến chùa, tôi đi vì khoa học từ chối tôi, chứ không dễ gì đâu! Vì với chút vốn liếng kiến thức ít ỏi thôi, cũng đủ để tôi chấp chặt, đủ để tôi thấy rằng - không thể tin một vấn đề khi nó chưa được mổ xẻ, phân tích, lý luận và chứng minh! Oái oăm thay, tôi sẽ phân tích được gì đây? Chứng minh được gì? Với kiến thức và tư duy đầy ngã tính? Đến bản thân các nhà khoa học còn không biết bên ngoài vũ trụ khả tiến là cái gì, thì một người nửa sáng nửa tối như tôi có thể làm được gì trước “cái biết của thức”? (tà kiến). Thật ra tôi không phải là người vung tay quá trán, có lẽ vì tập khí mà thôi, nhưng cũng nhờ vậy mà niềm tin của tôi ngày càng được củng cố hơn lên, và cũng nhờ duyên lành mà tôi không bị vướng vào một trong bát nạn: sở tri chướng! May mắn thay, ngọn gió lành của pháp bảo từng chút từng chút làm tươi mát và chuyển đổi dần dần những hiểu biết lệch lạc vốn được xây dựng từ vô minh sâu dày của tôi. Càng ngày tôi càng say sưa bởi trí tuệ siêu việt của Đức Phật, mọi thắc mắc của tôi đã có lời giải đáp. Tôi bắt đầu chăm chút từng câu kinh tiếng kệ, điều mà trước đó tôi chỉ làm lấy lệ. Khi tỏ ngộ phần nào, tôi cảm thấy tâm mình thẩm thấu, tôi không còn nhìn đồng hồ sau mỗi thời khoá, mà chỉ muốn lặng người hòa quyện vào sự nhiếp tâm thanh tịnh trong trạng thái hạnh phúc của sự buông bỏ tuyệt vời. Tôi không biết gọi cảm xúc này là gì, chỉ biết là ở trong nó tôi không còn sợ hãi, không còn thấy lệ thuộc, không ham muốn hay mong cầu, kể cả mong cầu đạt đạo. Ngày mà con đường thoát khổ dần dần hiện ra trước mắt, tôi phát tâm quy y Tam Bảo, nguyện suốt đời nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng và giữ năm điều đạo đức. Tôi tin rằng chỉ có Tam Bảo mới có khả năng chấm dứt khổ đau, bởi nương tựa vào đâu trong 3 cõi, 6 đường cũng đều nguy hiểm như vào nhà lửa. Có nương tựa vào ai thì cũng không bằng nương tựa chính nỗ lực học và thực hành giáo pháp của chính mình (Văn, Tư, Tu), đó là hướng về Tam Bảo và làm cho chính mình cũng thành Tam Bảo. Tôi kiến tạo một không gian thanh tịnh trang nghiêm trong điều kiện nhà hơi nhỏ hẹp và thờ Phật với tất cả tấm lòng thành kính và tri ân vô hạn, dù Phật chẳng có nơi hình nơi tượng, nhưng lấy sự diễn lý hay tùng tướng nhập tánh, vẫn là sự kết hợp hài hoà của ý nghĩa trung đạo trong việc thực tập chuyển hoá. Song song với kinh kệ bái sám, tôi tận dụng thời gian quý báu nghe pháp với mong muốn “thâm nhập kinh tạng” để có được “trí tuệ như biển”. Sự lệ thuộc vào điều kiện bên ngoài không còn hấp dẫn tôi được nữa, tôi bớt sợ những gì từng sợ, nhất là cái chết, “cái thùng ngày xưa” không còn khủng khiếp đối với tôi nữa, vì dù nó có là gỗ thì cũng không nhốt được thời gian và không gian (ảo tưởng), dù nó có là sắt cũng không thể bưng bít một sự thật vốn hoàn toàn trống rỗng (tánh không), và dù nó có là thép cũng không thể giam hãm sự tỉnh giác của nội tâm. Ôi, thật không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của một người tiếp cận với Phật Pháp, mỗi một lạy tôi lạy xuống, đều mang theo tất cả lòng thành kính và tri ân vô hạn của tôi dành cho Phật. Tôi như con rùa mù lênh đênh vạn kiếp trên sông mê, nay chui được vào bọng cây nổi (Phật bảo), lại nhận được lực thúc đẩy từ thiện tri thức (Tăng bảo), nếu không lấy Pháp làm thầy, thì lấy gì định hướng cho lập trường thêm kiên định vững vàng.  Pháp bảo chính là kim chỉ nam, giúp tôi có được nhận thức đúng đắn (chánh kiến). Bởi nếu không có sự hiểu biết đúng đắn sẽ kéo theo hàng loạt các giá trị như: suy nghĩ (tư duy), lời nói, hành động, việc làm và những nỗ lực trong đời sống đều không đúng như pháp. Từ ngày thấy rõ khổ, vô thường, vô ngã, tôi không còn thấy ghét ai, thương ai, tôi không bận tâm đến thị phi, phe phái, cũng không màng đến hơn thua đố kỵ. Vì cái này có thì cái kia mới có, lấy đâu ra một thể tính trường tồn mà luyến mà ưa! Dẫu sao cũng nhờ các pháp là vô thường nên mới vô ngã, và nhờ vào vô ngã mà chúng ta mới thực hiện được sự chuyển hoá. Tôi thầm cảm ơn tất cả nhân duyên đã giúp tôi biết cách tuỳ duyên chứ không tùy tiện, cái gì sai biết sai, cái gì đúng biết nó đúng, mà không mang thái độ chống trái phân biệt, chấp trước.  Để duy trì sự trong sạch cho thân khẩu ý, tôi phát nguyện trường chay, giữ giới, linh động sắp xếp công việc và bổn phận giữa đạo và đời luôn ổn thoả, thường xuyên tham gia Bát quan trai giới, tôi luôn hoan hỷ và tùy hỷ trước công đức của mọi người, cùng chia sẻ những kinh nghiệm tu học với bạn đạo trong tinh thần hòa hợp bình đẳng. Tôi cảm thấy vui khi chiếc Y vàng thanh thoát trong thiền môn thanh tịnh, nhưng cũng có khi tôi buồn vì những vấn nạn mà tăng đoàn hứng chịu… Khi nhìn qua chánh báo và y báo của chính mình, tôi thầm nghĩ rằng: đêm tối vô minh chắc hãy còn dài lắm, và những hệ luỵ trần gian chắc còn nhiều lắm! Chính vì vậy tôi thường tự nhủ rằng: đừng nghĩ khi mình đã có 5 giới rồi, đã lập bao nhiêu công trạng trong đạo rồi, đã ở trong đạo lâu rồi, đã thọ giới Bồ Tát rồi, thì mình đã chính thức là một Phật tử thuần thành. Tôi luôn nhắc nhở mình từ lời cảnh tỉnh của các tổ: “Bờ giác không xa lắm, chỉ ngại nhiều bến mê”! Do đó:  - Tôi không nghĩ rằng khi bước chân vào chùa mặc chiếc áo Già Lam thì tôi liền trở thành Phật tử - mà màu áo đó nhắc tôi nhớ rằng nên xóa đi sự cám dỗ của Ngũ Dục, để sự trang nghiêm thanh tịnh được tôn vinh và ngời sáng như chính nó. - Tôi không nghĩ rằng, khi đã là Phật tử tôi sẽ tích lũy được vô vàn Phước báu, mà là để buông bớt đi càng nhiều càng hay. - Tôi không nghĩ rằng việc mà tôi trở thành một Phật tử sẽ nâng mình lên một bình diện cao hơn người, mà chỉ là để hạ mình xuống càng thấp càng tốt. - Tôi không nghĩ rằng khi tôi là một Phật tử, tôi sẽ thoát khỏi mọi điều trái ý nghịch lòng, mà là tôi biết cách vượt qua và chấp nhận nó. - Tôi cũng không nghĩ khi tôi là một Phật tử, tôi sẽ có đầy đủ quyền lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu - mà đơn giản là tôi không còn mơ màng giữa hạnh phúc hay khổ đau. - Tôi không nghĩ khi tôi là một Phật tử, tôi sẽ tạo được niềm tin từ người khác, mà tôi cần dè dặt hơn nữa trước lòng tham đang chực chờ dấy khởi. - Tôi không nghĩ rằng khi tôi là một Phật tử, mọi điều sẽ luôn được như ý mà là trong thuận duyên tôi vẫn thấy rõ lẽ vô thường. Với quyết tâm thực hành lời Phật dạy, tôi nguyện cho tình thương và sự hiểu biết của người con Phật ngày càng nảy nở trong tôi, và lan tỏa đến nhiều người, làm họ được an vui nhẹ nhàng và muốn kề cận trao đổi trên tinh thần hòa hợp - bình đẳng - cùng tiến. Thật vinh hạnh khi tôi là một Phật tử và tôi không e ngại khi nói lên điều này.   HỌ VÀ TÊN: NGUYỄN THỊ VÂN PHÁP DANH: CHÚC VẠN TƯỜNG PHẬT TỬ CHÙA PHƯỚC LINH, TÂN HẢI, THỊ XÃ LAGI, BÌNH THUẬN. ĐIỆN THOẠI: 0983550609  
Download Android Download iOS
QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online