PSO – Sáng ngày 10/10/2022 (nhằm ngày 15/9/ Nhâm Dần), tại thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã long trọng tổ chức lễ giỗ Tổ Khương Tăng Hội.

Tham dự lễ có TT. Thích Tâm Thuần – Trụ trì thiền viện Sùng Phúc; TT. Thích Tỉnh Thuần- Trụ trì thiền viện Tuệ Đức; TT. Thích Kiến Nguyệt – Trụ trì thiền viện Tây Thiên; TT. Thích Trúc Thông Phổ – Trụ trì thiền viện Chính Pháp; TT. Thích Quảng Ánh – Phó trụ trì thiền viện Tây Trúc; TT. Thích Trung Huệ – Trụ trì thiền viện Hồng Lĩnh, TT. Thích Trúc Thông Tánh – Trụ trì thiền viện Hàm Rồng; ĐĐ.Thích Huệ Lâm – Phó trụ trì thiền viện Tây Thiên cùng chư Tôn đức Tăng Ni thuộc các thiền viện,Trúc Lâm Sùng Phúc (Hà Nội), Trúc Lâm Tuệ Đức (Vĩnh Phúc), Trúc Lâm An Tâm (Vĩnh Phúc), Trúc Lâm Hàm Rồng (Thanh Hóa), Trúc Lâm Phượng Hoàng (Bắc Giang), tịnh thất Tây Thiên và hơn 200 Phật tử thuộc các đạo tràng ở miền Bắc tu tập theo Thiền phái Trúc Lâm tại các tỉnh thành.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên chọn ngày 15/9 Âm lịch hàng năm (ngày giỗ Tổ sư Khương Tăng Hội) để tưởng niệm công hạnh của chư vị Tổ sư Ấn Độ đã đến Tây Thiên tu tập và hành đạo mà đại diện là Tổ sư Khương Tăng Hội.

Ngày nay, các thiền viện, các dòng phái thiền tại Việt Nam ngày một phổ biến bởi giá trị nhân văn của nó. Một dòng thiền lớn tại Việt Nam được nhiều người biết tới đó là thiền phái Trúc Lâm với sự khai sáng của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, người đầu tiên đưa dòng phái thiền vào Việt Nam lại là một vị thiền sư khác, Ngài chính là Thiền sư Khương Tăng Hội – sư Tổ của dòng phái thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 11.

Tổ sư Khương Tăng Hội, tổ tiên là người Khương Cư (Sogdiane, Bắc Ấn), mấy đời ở Thiên Trúc, cha nhân buôn bán dời đến Giao Chỉ (Việt Nam). Năm lên 10 tuổi, song thân đều mất, sau khi chịu tang xong, Ngài xuất gia, siêng năng hết mực. Sử liệu đã ghi: “Tổ là người rộng rãi, nhã nhặn, có tầm hiểu biết, dốc chí hiếu học, rõ hiểu ba tạng, xem khắp sáu kinh, thiên văn đồ vỹ, phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, lanh việc viết văn”.

TT.Thích Kiến Nguyệt có lời hỏi thăm sức khoẻ toàn thể Đại chúng

Vào cuối đời nhà Hán thời Tam Quốc (190 – 260), Trung Quốc xảy ra chiến tranh và loạn lạc, nhiều tăng sĩ, thiện tri thức phải rời bỏ kinh đô Lạc Dương đến Giao Châu tị nạn, trong đó có đệ tử cư sĩ của pháp sư An Thế Cao (người nước An Tức, thuộc Bắc Ấn Độ) là Trần Tuệ, Hàn Lâm. Tổ mời hai vị này cùng tham gia dịch thuật, chú giải kinh điển. Tổ thành lập đạo tràng, huấn luyện tăng chúng, phiên dịch kinh điển tại Trung tâm Luy Lâu (chùa Dâu, chùa Pháp Vân, chùa Phi Tướng… thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay).

Sau nghi thức cúng Phật tại Đại Hùng Bảo Điện, buổi lễ được diễn ra tại Tổ Đường trong không khí trang nghiêm.

TT. Thích Tỉnh Thuần đã ôn lại lại tiểu sử và công hạnh của Tổ. Nhờ đó Tăng Ni Phật tử rõ biết công hạnh của Ngài và những công lao to lớn của Ngài đã đóng góp cho kho tàng văn hóa VN nói chung và PGVN nói riêng. Qua đó nhắc nhở mọi người hãy bảo vệ văn hóa nước nhà, vì văn hóa còn đất nước còn, văn hóa mất thì dân tộc bị diệt vong, việc làm này còn mang ý nghĩa tôn vinh giá trị đạo đức của ông cha ta, là niềm tự hào của dân tộc.

Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:

Vũ Dũng – Đỗ Minh – Linh Nhã