PSO – Nhân chuyến công tác tại tỉnh Bình Dương, vào chiều ngày 28/7/2022, phái đoàn Ban Dân vận Thành ủy, Ban Tuyên giáo TP. Hải Phòng do Bà Đào Khánh Hà – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó ban Chỉ đạo 35 thành phố làm Trưởng đoàn; cùng các thành viên tháp tùng đoàn công tác đã đến thăm và dâng hương tại Tổ đình Hội Khánh (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một).

Tiếp đón đoàn đến thăm ngôi chùa là Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, Trụ trì Tổ đình Hội Khánh. Dưới sự hướng dẫn của HT. Thích Huệ Thông, Bà Đào Khánh Hà cùng các thành viên trong đoàn đã lễ Phật và dâng hương nơi di ảnh Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong chuyến đến thăm, Bà Đào Khánh Hà đã gửi lời thăm hỏi sức khỏe và chúc bình an đến Hòa thượng Thích Huệ Thông cũng như chư Tăng Bổn tự luôn thành tựu các công tác Phật sự. Theo Bà Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hải Phòng, Phật giáo Bình Dương dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Huệ Thông đã có nhiều đóng góp tích cực, chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt các công tác an sinh xã hội.

Song song đó, phái đoàn đã tham quan ngôi chùa lịch sử, là nơi đã ghi dấu ấn của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc) thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây còn là một danh thắng nổi tiếng mà nói về Bình Dương, chúng ta thường nhắc đến cũng như điểm tham quan, về nguồn cho biết bao thế hệ trẻ.

Tổ đình Hội Khánh là ngôi chùa được xây dựng từ năm 1741 (hiện tọa lạc tại phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Đây là công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh, được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia ngày 7/01/1993. Gần 30 năm qua kể từ ngày được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia,Tổ đình Hội Khánh liên tục được sửa chữa, trùng tu nhiều lần, xây dựng mới với các công trình tầm cỡ như tượng Phật nhập Niết bàn, trường Trung cấp Phật học, Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh… nhưng về cơ bản, đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu, quan trọng hơn hết là giá trị về mặt văn hóa, lịch sử rất đặc biệt. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ tỉnh Bình Dương.

Trong những năm 1923- 1926, Tổ đình Hội Khánh – Thủ Dầu Một còn là nơi quy tụ các nhân sĩ, nhà Nho, nhà sư yêu nước cùng lập ra “Hội danh dự” với sự tham gia của chính Hòa thượng Từ Văn, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác Hồ), cụ Tú Cúc… Mục đích của hội là cổ vũ cho lối sống đề cao đạo đức, coi trọng danh dự và lòng yêu quý đồng bào đất nước. Dù hội chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng đã gây được ảnh hưởng đáng kể.

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1826, mất năm 1929. Cuộc đời và nhân cách của cụ mà đặc biệt là lòng yêu nước thương dân đã ảnh hưởng sâu sắc đến người con Nguyễn Tất Thành, để từ đó, người con này biết hy sinh tình nhà lo việc nước, trở thành lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại, vị cha già dân tộc, là danh nhân thế giới mà muôn đời chúng ta cần ca ngợi, học tập và theo tấm gương của Bác.

Hòa thượng Thích Huệ Thông bày tỏ niềm hoan hỷ, cũng như gửi lời tri ân những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm của bà  Đào Khánh Hà và các thành viên trong đoàn đã đến thăm Tổ đình Hội Khánh, đồng thời chúc các thành viên sức khỏe dồi dào, hạnh phúc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.

Tin, ảnh: Huệ Nghiêm