23/12/2018 20:37

Thái Bình: Chùa Thanh Lam khánh thành giai đoạn II và Húy kỵ cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Đồng Huy

Ngày 22/12/2018 (tức ngày 16/11 năm Mậu Tuất), nhằm ôn lại công hạnh của Tôn sư nhân ngày Húy kỵ lần thứ 7 Trưởng lão Hòa thượng thượng Đồng hạ Huy cũng là để Khánh tạ giai đoạn II công trình chùa Thanh Lam (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), Đại đức trụ trì Thích Minh Thành cùng nam nữ Phật tử trang nghiêm tổ chức buổi lễ với sự chứng minh của chư Tôn đức trong Tông môn pháp phái.

Buổi lễ được sự tham dự của: Thượng tọa Thích Thanh Hòa - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình; Hòa thượng Thích Kiến Tánh - Trưởng môn phái Chúc Thánh liên tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu; Thượng tọa Thích Minh Thiện - Trưởng ban Thừa kế Tông môn đệ tử của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Đồng Huy; Chư tôn đức Tăng Ni là những học Tăng đã từng thọ ân giáo dưỡng của cố Hòa thượng đang hoằng pháp tại tỉnh Thái Bình, các tỉnh lân cận và đông đảo đồng bào Phật tử về tham dự.

Về phía lãnh đạo chính quyền có: Ông Trần Quang Minh - Trưởng ban Dân vận tỉnh Thái Bình; Ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng ban Tôn giáo tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành huyện Huỳnh phụ, xã Quỳnh Thọ đồng tham dự. Đại đức Thích Minh Thành được bổ nhiệm chính thức Trụ trì chùa Thanh Lam từ năm 2015. Từ khi nhận trọng trách tại ngôi chùa cổ kính này, Đại đức đã từng bước tu bổ lại các hạng mục công trình đã bị xuống cấp theo thời gian. Tại buổi lễ, đại diện Ban thư ký nhà chùa đã tuyên đọc sơ lượt quá trình hình thành ngôi chùa cũng như báo cáo quá trình trùng tu xây dựng giai đoạn II công trình chùa Thanh Lam. Tiếp theo, Ban tổ chức cung thỉnh chư Tôn đức niêm hương Tưởng niệm cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Đồng Huy - Bậc Tôn sư khả kính của Đại đức Trụ trì.

Hòa Thượng Thích Đồng Huy - nguyên Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, nguyên Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu 4 nhiệm kỳ, Trưởng ban Quản trị Đại Tùng Lâm, Khai sơn viện chủ nhị tự: tu viện Van Hạnh, chùa Vạn Thiện, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Tại buổi lễ, thay mặt Tông môn đệ tử cố Hòa thượng, Đại đức Trụ trì chùa Thanh Lam, đã cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Đồng Huy để cùng nhau ôn lại cuộc đời hành đạo của Người, lấy đó làm tấm gương soi chung trên bước đường hành đạo.

          

Tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Đồng Huy

Hòa thượng Thích Đồng Huy - Thành viên HĐCM, Ủy viên HĐTSTW GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng ban Quản trị Đại Tòng Lâm, Viện chủ nhị tự: Tu viện Vạn Hạnh, chùa Vạn Thiện

I. THÂN THẾ

Hòa Thượng thế danh Phan Văn Đa, tự Thanh Tùng, pháp danh thượng Đồng hạ Huy, hiệu Trí Thắng (thuộc đời 43 phái Lâm Tế dòng kệ của Tổ Minh Hải - Pháp Bảo). Ngài sinh năm 1919 tại làng Lãnh Đông, huyện Điện Bàng, tỉnh Quảng Nam, là người con thứ tư trong một gia đình có 5 người con, hai trai ba gái. Thân phụ của Ngài là Cụ ông Phan Thanh Quyến, thân mẫu là Cụ bà Huỳnh Thị Trợ.

II. THỜI GIAN XUẤT GIA HỌC ĐẠO

Hòa thượng mồ côi cha từ thuở nhỏ. Năm lên 8, Ngài ở với nội học Hán văn. Sau đó không lâu, Ngài cùng mẹ rời quê hương lưu lạc miền Nam sinh sống, rồi dừng chân lại trên mảnh đất Phan Thiết, Bình Thuận bằng nghề thợ may.

Vốn sinh trưởng trong một gia đình Nho phong, kính mộ Tam Bảo nhiều đời, nên năm 1938 khi vừa tròn 19 tuổi, cơ duyên Phật pháp đầy đủ, và được sự đồng ý của từ mẫu, Ngài được Thiền sư thượng HƯNG  hạ TỪ - Phương trượng chùa Long Đoàn, núi Trà Cú, Bình Thuận tế độ.         

Trải qua bốn năm xuất gia hầu thầy học đạo, năm 1942, Hòa thượng được Bổn sư cho phép thọ giới Sa di tại chùa Hưng Khánh, Bình Định, và sau đó, theo Hòa thượng Huyền Ý chùa Liên Tôn, Bình Định học luật được 1 năm.

- Năm 1943, Hòa thượng đã được trúng tuyển vào học tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên,Trà Vinh.

- Năm 1945, đất nước tang thương khói lửa, học Tăng phải ly tán, nhà trường phải đóng cửa, phong trào Cách mạng tháng 8 nổi lên; theo tiếng gọi của Tổ quốc, Hòa thượng đã cởi áo cà sa khoát chiến bào - tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi đình chiến, năm 1955, Hòa thượng trở lại chốn thiền môn xuất gia tu học tại chùa Phú Thạnh, Phú Nhuận, Sài Gòn, cầu pháp nhân duyên với Hòa thượng thượng THIỆN hạ HÒA và nhập học tại Phật Học Đường Nam Việt, chùa Ấn Quang, Chợ Lớn, Sài Gòn.

- Năm 1956, được sự đồng ý của Hòa thượng cầu pháp và Ban Giám đốc Phật học đường, Hòa thượng được đăng tam đàn thọ Cụ Túc giới tại chùa Pháp Hội, Chợ Lớn, Sài Gòn do Hòa thượng thượng HÀNH hạ TRỤ Làm đàn đầu.

- Từ những năm 1960-1963, Ngài được Hòa thượng THIỆN  hạ HÒA cử về trụ trì chùa Đại Tòng Lâm thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu.

- Đến Năm 1964, Hòa thượng xin theo học lớp chuyên khoa ở Phật Học Viện Huệ Nghiêm, được quý Ngài trong Phật học Viện giao phó chức vụ Tri sự tại Bản viện.

III. THỜI KỲ HÓA ĐẠO

- Năm 1960-1963, Đại Tòng Lâm Phật giáo đang kiến thiết xây dựng, là học Tăng lớn tuổi nhất tại Phật Học Đường Nam Việt, rất được sự tín nhiệm và quý mến của Quý hòa thượng và Tăng chúng tại bản viện, nên sau khi mãn khóa Ngài được Hòa thượng THIỆN HÒA đề cử về trụ trì chùa Đại Tòng Lâm để chăm lo công việc khai khẩn và kiến thiết.

- Năm 1964, do nhận thấy sở học của mình còn nông cạn nên, Ngài xin phép Hòa thượng THIỆN HÒA nghỉ chức trụ trì để theo học lớp chuyên khoa Phật Học tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm. Tại đó, Hòa thượng được giao chức vụ Tri sự để chăm lo đời sống kinh tế cho viện.

- Năm 1964-1970, được Giáo hội điều về làm Ban Quản trang An Dưỡng Địa, Phú Lâm, Sài Gòn; đồng thời là thành viên sáng lập hãng nước tương Vị Trai Lá Bồ Đề tại chùa Giác Sanh, Phú Thọ, Chợ Lớn.

- Năm 1970, Ngài khai sơn Tu viện Vạn Hạnh và khai khẩn trên 300 hécta đất tại xã Phú Mỹ để cấp cho Tăng Ni và Phật tử có nơi tu hành và sinh sống.

- Năm 1990, do Tu viện Hạnh xuống cấp mưa dột, nên Ngài quyết định trùng tu lần thứ nhất; đồng thời, Ngài sáng lập chùa Vạn Thiện tại chân núi Thị Vãi, khai khẩn 20 hécta đất ở sườn núi để trồng cây gây rừng và lập nhiều am thất như Vạn Phước, Vạn An… để cho chư Tăng có nguyện vọng sớm hôm chuyên tu.

- Năm 1992, Hòa thượng Bổn sư Thượng Hưng hạ Từ viên tịch, giao Tổ Đình Pháp Hội cho Hòa thượng nhưng Hòa thượng giao lại cho pháp đệ là Thượng tọa Thích Ấn Chánh trông coi và xây dựng, hướng dẫn chư Tăng, tín đồ tu học.

- Năm 2000, Ngài trùng tu Tu Viện Vạn Hạnh lần thứ 2.

  1. Về hoạt động Giáo hội và Xã hội

Với tình yêu quê hương đất nước và tâm phụng sự đạo pháp thiết tha, Ngài đã không từ các mệt nhọc trong các công tác Phật sự, hướng dẫn Tăng Ni Phật Tử tu học đúng với lời Phật dạy và sống đúng với kỷ cương phép nước. Cũng vì vậy, ngoài vấn đề cấp đất, xây dựng tự viện cho Tăng Ni tu học ra, trải qua các giai đoạn, Hòa thượng còn giữ nhiều chức vụ  quan trọng trong Giáo hội và xã hội.

- Năm 1972, được sự tín nhiệm của toàn thể Tăng Ni và Phật tử, Hòa thượng giữ chức vụ Phó Ban Đại diện GHPHVNTN tỉnh Phước Tuy, kiêm Chánh Đại diện Phật giáo quận Long Lễ và Chánh Đại diện khu tự trị Phật giáo làng Vạn Hạnh.

- Năm 1977, Hòa thượng làm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai. Đồng thời tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng Nhân dân huyện Châu Thành.

- Năm 1981, Hòa thượng là Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai.

- Năm 1986, Hòa thượng làm Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai kiêm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành.

- Năm 1989, Hòa thượng làm Trưởng Ban vận động mở lớp giáo lý và thành lập trường Cơ Bản Phật học Đại Tòng Lâm.

- Năm 1990, Ngài là Phó ban Giám đốc Đại Tòng Lâm, đặc trách giám luật.

- Năm 1992 cho đến ngày thị tịch, Ngài là Uỷ viên Hội Đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Phật Giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kiêm Trưởng Ban giáo dục Tăng Ni tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu qua 4 nhiệm kỳ.

- Tại Đại hội Phật giáo khoá IV (1997), Ngài được tấn phong Hòa thượng và được suy cử vào Thành viên HĐCMTW GHPGVN. Cũng trong năm này, Ngài được bầu làm Trưởng Ban Quản trị Đại Tòng Lâm.

- Năm 2002, Ngài là đại biểu HĐND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu Khóa III năm 2002-2007.

- Năm 2009, dù tuổi cao sức yếu, nhưng do sự tín nhiệm của Tăng Ni và là đống lương của Phật giáo tỉnh nhà, nên Ngài tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoá IV (2007-2012).

  1. Về tổ chức Giới đàn và truyền trao Giới Pháp

Hòa thượng là vị Giám Luật mẫu mực ở chốn tòng lâm; giới đức và công hạnh của Ngài là tấm gương sáng cho đàn hậu tấn kính ngưỡng và noi theo.

Với giới hạnh nghiêm tịnh, Ngài đã được Ban kiến đàn của các Giới đàn cung thỉnh làm: Tôn chứng tăng già, Giáo thọ A-xà-lê,… để truyền trao giới Pháp cho các giới tử; và tổ chức các Giới đàn như:

- Năm 1976, Đệ Nhị Tôn Chứng Tăng già, tại Giới đàn chùa Long Hoa, Long Đất, Đồng Nai;

- Năm 1984, Giáo Thọ A Xà Lê, tại Giới đàn chùa Long Thiền, Biên Hòa, Đồng Nai do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai tổ chức;

- Năm 1993, Trưởng Ban Kiến Đàn Đại Giới đàn Thiện Hòa lần thứ I, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức tại Trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Giới đàn đã quy tụ trên 2000 giới tử;

- Năm 1996, Trưởng Ban tổ chức Đại Giới đàn Thiện Hòa lần thứ II, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức tại Trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu;

- Năm 2000, Trưởng Ban tổ chức Đại Giới đàn Thiện Hòa lần thứ III do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu;

- Năm 2003, Trưởng Ban tổ chức Đại Giới đàn Thiện Hòa lần thứ IV do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu;

- Năm 2006, Hòa Thượng Đàn đầu Đại Giới đàn Thiện Hòa lần thứ V do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu;

- Năm 2009, Hòa Thượng Đàn đầu Đại Giới đàn Thiện Hòa lần thứ VI do Ban Trị sự  Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

  1. Về Phiên dịch

Ngoài việc cống hiến sức mình cho các công tác Phật sự và hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu học tại Phật giáo tỉnh nhà ra, Hòa thượng còn dành nhiều thời gian cho việc phiên dịch về Luật Tạng và trước tác các tác phẩm và dịch phẩm giá trị để lại cho hậu thế. Các bộ sách Ngài đã phiên dịch là:

  1. Tứ Phần Luật Tạng 60 quyển;
  2. Luật Học 01 quyển;
  3. Tỳ Kheo Ni Sao 03 quyển;
  4. Luật Học Cương Yếu  01 quyển;
  5. Tỳ Kheo Giới Bổn Sớ Nghiã  01 quyển;
  6. Phạm Võng Lược Sớ 10 quyển;
  7. Tỳ Kheo Tăng Sao 03 quyển;
  8. Luật Tứ Phần như thích;
  9. Yết Ma Đại Cương  01 quyển;
  10. Phật Học Diễn Giảng;
  11. Tỳ Kheo Giới Bổn Lược Giải 01 tập;
  12. Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Lược Giải 01 tập.
IV. THỜI KỲ LÂM BỆNH

Với tâm vô ngã và hạnh nguyện vị tha, Ngài cống hiến hết sức mình cho đạo pháp và cho dân tộc. Quả thật, Ngài là bậc đống lương ở chốn thiền môn, và là cây đại thọ của Giáo hội tỉnh nhà.

Năm tháng dần trôi, thân tứ đại của Hòa thượng cũng dần theo đó mõi mòn. Tuổi cao sức yếu, Hòa thượng lâm bệnh nhẹ; tuy vậy, trên giường bệnh Hòa thượng vẫn luôn quan tâm theo dõi Đại giới đàn Thiện Hòa IV, nhắc nhở sách tấn các giới tử từng ngày kể từ khai mạc cho đến khi thành công bế mạc.

Chúng con cứ ngỡ Ngài sẽ trụ thế mãi cho hàng môn nhơn và tứ chúng Phật tử khắp nơi nương nhờ. Nào ngờ, Cơn vô thường chợt đến, kiếp tạm bợ mong manh như sương như khói vụt đi; thầy chúng con đã thâu thần thị tịch vào lúc 18 giờ 45 phút, ngày 03-01-2010 (nhằm ngày 19/11/Kỷ Sửu) tại Tu viện Vạn Hạnh, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, để lại sự kính tiếc vô cùng của hàng môn nhơn pháp quyến và Tăng ni Phật tử khắp nơi.

Với:  90 năm trụ thế; 55 năm Hạ lạp.

Kính bạch Chư tôn đức;

Kính thưa quý Nam nữ Phật tử.

Còn nhớ, từ lúc mới bước chân vào đạo, chúng con đã nhận được tình thương bao la của ân sư dành cho; tình thương ấy vượt qua những hạn chế bởi thời gian và không gian. Ngài xem hậu học chúng con như con cái của mình; Ngài luôn quan tâm sách tấn và dạy dỗ chúng con trên bước đường tu học. Qua đó, chúng con được trưởng thành.

Rồi theo thời gian, nhân duyên Phật bổ xứ, chúng con được đến vùng đất Thái Bình xa xôi này hành đạo, nương tựa vào Chư tôn đức tại địa phương, chúng con trong lòng luôn nhớ về thân giáo của ân sư để vượt qua những khó khăn thử thách. Tất cả những nổ lực của chúng con trong những năm tháng qua chỉ mong làm một món quà nhỏ để dâng lên cúng dường tôn sư, gọi là đáp ân trong muôn một.

Hôm nay, tại Ngôi chùa Thanh Lam, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, chúng con thành tâm tổ chức lễ sám tạ Tam Bảo, lạc thành giai đoạn II của quá trình kiến thiết xây dựng lại chùa; trong dịp này cũng là lễ húy kỵ lần thứ 7 của Tôn Sư, Chúng con Kính nguyện bao nhiêu công đức của chúng con làm được xin nguyện dâng lên cúng dường Tôn sư.

Ngưỡng nguyện Tôn sư thùy từ chứng minh!

Nam mô Khai Sơn nhị tự Vạn Hạnh, Vạn Thiện Đường thượng Từ Lâm Tế Chánh Tông tứ thập tam thế, huý Thượng Đồng hạ Huy, hiệu Trí Thắng, Đại lão Hòa thượng Giác linh Tôn sư thùy từ chứng giám!

Thích Minh Thành - chùa Thanh Lam

Download Android Download iOS
Đồng Nai: Trang nghiêm Khai mạc Đại Giới đàn Đạt Thanh PL.2568 - DL.2024

PSO - Sáng ngày 26/4/2024 (nhằm ngày 18/3 năm Giáp Thìn), tại chùa Tỉnh Hội (Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai) Giới trường Đại Giới đàn Đạt Thanh, Ban Tổ Chức đã trang nghiêm long trọng tổ chức lễ Khai mạc Đại Giới đàn mang Tôn hiệu Đạt Thanh PL.2568 - DL.2024. Dưới sự chứng minh của Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN, cùng chư Tôn đức lãnh đạo các cấ

Long An: Lễ khởi công xây dựng cầu Rạch Gần 2, xã An Ninh Tây

PSO - Ngày 26/4/2024 (nhằm ngày 18/3 năm Giáp Thìn), BTS GHPGVN huyện Đức Hòa phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ huyện, Hội nạn nhân chất độc màu da cam huyện và UBND xã An Ninh Tây long trọng tổ chức lễ khởi công cầu Rạch Gần 2 tọa lạc ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Hải Phòng: Chương trình Vườn Ươm tặng 768 đầu sách tại chùa Linh Quang

PSO - Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc sách.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online