PSO – Chiều 16/09/2022 (nhằm ngày 21/08 năm Nhâm Dần), Thiền viện Chơn Không (Bà Rịa-Vũng Tàu) trang nghiêm cung đón phái đoàn Ban Văn hóa Trung ương (BVHTW) GHPGVN, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cùng các cơ quan nghiên cứu đến khảo sát “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Thống nhất trong đa dạng”
Đây là chương trình thuộc 4 đề án (Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc và Di sản) mà Ban VHTW GHPGVN triển khai trong nhiều năm qua. Thiền viện Chơn Không là 1 trong 7 điểm được chọn để khảo sát trong chuyến đi này.
Đoàn khảo sát do TT. Thích Thọ Lạc – Uỷ viên Thư ký HĐTS, Trưởng BVHTW làm trưởng đoàn, TT. Thích Giác Trí – Phó trưởng Ban Trị sự GHPG tỉnh Bạc Liêu, TT. Thích Tâm Trụ – UVBVHTW, Trưởng Ban Văn hoá BRVT, chư tôn Tăng, Ni, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cư sĩ, phật tử tham gia cuộc khảo sát.
TT. Thích Thọ Lạc tặng bộ Kinh Khoá tụng thống nhất (thuộc đề án ngôn ngữ) cho thiền viên Chơn Không
Đón tiếp đoàn là TT. Thích Thông Hạnh – Trưởng Ban Văn hoá PG tỉnh Đồng Nai, Phó Trưởng ban Thiền phái Trúc Lâm; TT. Thích Thông Như, Phó Trụ trì thiền viện Chơn Không, TT. Thông Thiền – Giáo thọ sư. NT. Thích Nữ Thuần Nhất – Trụ trì thiền viện Chơn Không Ni; NS. Thích Nữ Hạnh Quán Giáo thọ Sư Chơn Không Ni, cùng Ni chúng tiếp đón phái đoàn chư Tôn đức Tăng, Ni Ban Văn hoá TƯ và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học…
PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXHVN)
PGS.TS. Vương Ngọc Lưu – Nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội
Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Thiền viện Chơn Không được thành lập hơn nửa thế kỷ trước, tọa lạc trên khu đất có diện tích 27.000m2, tại số 36/11 đường Vi Ba, Phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu thuộc tỉnh BR-VT, là nơi chuyên tu của các thiền sinh và các phật tử tham gia tu học thiền. Đồng thời cũng là nơi các phật tử thập phương hành hương, chiêm bái…
Chơn Không là pháp hiệu của một thiền sư đời Lý – Thiền sư Chơn Không (1045 – 1110), sống vào đời Vua Lý Nhân Tông. Thiền viện Chơn Không được Hòa Thượng (HT) Thích Thanh Từ khai sáng tháng 6/1966. Ngài đã khai phá vùng đất Hòn Chụp – Núi Tượng Kỳ (Núi Lớn) dựng Pháp Lạc Thất bằng tre lá, chuyên tu thiền. Sau gần 3 năm chuyên tu, tháng 12/1968, HT ngộ lý Sắc Không. Ngài đem chỗ sở ngộ chỉ dạy đại chúng. Mở đầu công cuộc khôi phục Thiền tông Việt Nam.
Giai đoạn năm 1969 – 1970, Tu viện Chơn Không đươc xây dựng, mở ra khóa thiền đầu tiên có 10 vị Tăng, trong đó có các HT Đắc Pháp, HT Đắc Huyền, HT Nhật Quang, HT Thông Phương v.v… Đến năm 1974, ngài mở khóa thiền thứ 2 gồm 20 vị chư Tăng và chư Ni cùng tu học. Tháng 4/1995, Tu Viện Chơn Không được trùng tu, đổi tên tu viện thành Thiền viện Chơn Không, gồm hai khu chuyên tu riêng biệt cho Tăng và Ni cho đến nay.
Thiền Viện Chơn Không đã trải qua nhiều lần tu bổ, tái kiến thiết, đến nay có tổng diện tích xây dựng là 2.831,26m2. Kiểu dáng thiền viện được HT Thanh Từ sáng chế về cơ bản cũng giống như bao ngôi chùa khác tại Việt Nam. Kiến trúc của thiền viện Chơn Không giản dị, không gian bên trong rộng rãi, thoáng mát; đường nét thanh thoát hài hòa, vừa mang hơi thở đương đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, vừa thanh thoát tôn nghiêm lại đơn sơ gần gũi phản ánh đúng bản chất Thiền tông. Mái chùa lợp bằng ngói đỏ, mái cong nhưng không có nhiều họa tiết, hoa văn rồng phụng như những chùa khác. Nền móng, cột, trần đều kiên cố, án thờ, cánh cửa được làm bằng gỗ quý được chạm trổ tinh xảo và khéo léo. Bên trong chánh điện, giữa là tượng Phật Thích Ca tay cầm Hoa Sen, hai bên là Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền. Sau chánh điện là hậu tổ thờ Tổ Đạt Ma và Tam Tổ: Phật Hoàng Trần Nhân tông, Nhị Tổ Pháp Loa và Tam Tổ Huyền Quang. Các chi tiết trang trí, tạc tượng, hoành phi, câu đối, cửa võng, phù điêu, sân vườn, cây cảnh đều mang dấu ấn của nền mỹ thuật đương đại của Việt Nam.
Tượng Phật “Niêm hoa vi tiếu” mạ vàng khổng lồ cao 28m
Một trong những công trình đặc biệt và được mọi người biết đến là công trình tượng Phật “Niêm hoa vi tiếu” mạ vàng khổng lồ (cao 28m). Bức tượng được đặt ở vị trí cao nhất của thiền viện, mặt hướng ra biển, kết hợp với màu sắc vàng óng khiến pho tượng đẹp nổi bật cả một khu vực rộng lớn, uy nghiêm, sừng sững giữa lòng thành phố biển.
Thiền viện Chơn Không là một trong những thiền viện của hệ phái thiền Trúc Lâm. Về mặt kiến trúc, Thiền viện Chơn Không giống như các thiền viện khác, theo kiến trúc đương đại nhưng thanh thoát trang nghiêm, khéo léo với nhiều họa tiết đậm đà bản sắc dân tộc; vừa rộng lớn lại vừa gần gũi với con người, hài hòa với thiên nhiênHT tông chủ Thích Thanh Từ chủ trương dạy Thiền Giáo song hành tức vừa tu thiền vừa học kinh bổ túc cho nhau, tính thực tế đó dáp ứng nhu cầu của đại chúng, vì thế rất nhiều thiền viện được hình thành và phát triển từ mô hình này.
TT. Thịch Thọ Lạc và TT. Thông Thiền – Giáo thọ sư Thiền viên Chơn Không
Có thể nói, sự ra đời của phái thiền Trúc Lâm đã tạo nên trường lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo đà thức đẩy sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn, nhiều tầng lớp tăng chúng cùng quy hướng theo một dòng tu hành in đậm sắc thái Phật giáo dân tộc. Phái Trúc Lâm ra đời đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân Việt về khả năng phát triển những giá trị văn hóa bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc. Đây là một minh chứng sâu sắc cho khả năng tồn tại và phát triển của một di sản văn hóa, bất chấp năm tháng vả mọi thăng trầm thế sự. Thế rồi phái thiền Trúc Lâm đã mọc lên rất thiền viện khắp trong nam ngoài bắc và mở rộng sang cả các nước Pháp, Mỹ, Canada, Mỹ, Uastralia, Ý… Tất cả những điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của phái thiền Trúc Lâm khi đã đạt tới giá trị văn hóa, khi đã hòa nhập được vào đời sống tinh thần dân tộc và đến với muôn vạn tấm lòng.
Hoà Nhã