27/07/2018 20:10

Tiền Giang: Hòa thượng Thích Minh Thông thuyết giảng tại Khóa bồi dưỡng Trụ trì 2018

Chiều nay, ngày 27/7/2018 (Nhằm ngày 15/6/ Mậu Tuất), tại Giảng đường Huệ Đăng, chùa Vĩnh Tràng, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, Hòa thượng Thích Minh Thông - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN đã có buổi chia sẻ về Luật học với hơn 500 Tăng ni đang tham dự Khóa bồi dưỡng trụ trì năm 2018.

Tại buổi thuyết giảng, sau phần giới thiệu, Hòa thượng Thích Minh Thông chia sẻ: Do vì thời gian có hạn nên Hòa Thượng chỉ tập trung nói về hai vấn đề: Chỉ trì và các pháp Yết ma. Theo như trong Luật Thiện Kiến, có 5 điều làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài mà hàng đệ tử Phật chúng ta phải biết đó là: 1. Khi nào chúng ta còn biết tôn trọng giữ gìn giới luật. 2. Thời nào còn những vị rành luật, nhất là trên phương diện Truyền giới, biết các pháp Yết ma, biết giới nào thuộc về khinh, trọng, tánh, tướng để thực hành. 3. Nơi nào vẫn còn có 5 vị Tỳ kheo thanh tịnh. 4. Nơi có 10 vị Tỳ kheo thanh tịnh. 5. Nơi có 20 vị thanh tịnh. Vì theo luật Phật, khi Tăng đủ số 20 vị thì có thể thực hành được tất cả các pháp Yết ma; Tăng 10 vị có thể Truyền giới; Tăng 5 vị  được Truyền giới ở nơi biên địa; Tăng 4 vị có thể hòa hợp Tụng giới. Trong kinh luật dạy: Tỳ kheo ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nải thính giáo tham thiền. Tuy nhiên, nếu vị Tỳ kheo đủ 10 hạ mà chưa rành Luật thì cũng không được ra đi ra hành đạo. Vì vậy vị Tỳ kheo rành thông Luật là rất quan trọng. Ban trị sự mở Khóa bồi dưỡng Trụ trì là rất cần thiết, qua đó giúp các vị trụ trì ôn lại giới luật để thực hành có hiệu quả. Phương châm hoạt động của Giáo hội là: Đoàn kết, Hòa hợp, Trưởng dưỡng Đạo tâm, Trang nghiêm Giáo hội. Chúng ta phải hiểu, không phải chỉ có số lượng Tăng ni đông mà gọi là Trang nghiêm, Trang nghiêm ở đây là chú trọng tới sự hòa hợp thanh tịnh và nghiêm trì giới luật, lấy chất liệu giới luật để trưởng dưỡng đạo tâm. Ngày nay thế giới tôn vinh nhiều về vật chất, lấy vật chất làm thước đo cho sự lớn mạnh của quốc gia mà bỏ quên đạo đức, đó là việc thiếu sót lớn.  Xã hội tiến bộ văn minh, con người dễ dàng có điều kiện tìm hiểu cặn kẻ hơn về đạo đức Phật giáo; Vì vậy, chúng ta, hàng tu sĩ Phật giáo phải cố gắng nghiêm trì giới luật tinh chuyên hơn, để làm gương mẫu cho xã hội. Nếu ai đó cho rằng thời đại văn minh là không cần trì luật nữa, đó là ý nghĩ sai lầm cần phải loại trừ. Giới tiếng Phạn là Sila, có nghĩa là dừng nghỉ “Chỉ”; Cũng gọi là Vinaya, có nghĩa là gồm cả “Chỉ” và “Quán”. Mục đích Đức Phật chế giới vì 10 điều sau: 1. Nhiếp thủ ư tăng. 2. Linh tăng hoan hỷ. 3. Linh tăng an lạc. 4. Linh vị tín giả tín 5. Dĩ tín giả linh tăng trưởng 6. Nan điều giả linh điều thuận 7. Tàm quý giả đắc an lạc. 8. Đoạn hiện tại hữu lậu. 9. Đoạn vị lai hữu lậu. 10. Linh chánh pháp cửu trụ. Đức Phật chế định giới luật theo nguyên tác “tùy phạm tùy chế”, khi Tăng đoàn phát sinh hữu lậu thì giới luật mới hình thành. Chúng ta phải biết rõ điều này để vận dụng trong cuộc sống hiện tại. Sự kiện Tôn giả Ca Diếp thấy sự vui mừng của một thầy Tỳ Kheo khi hay tin đức Phật nhập Niết Bàn, đã khiến cho Ngài quyết định tổ chức Kết tập kinh điển. Lần kiết tập đầu tiên, Luật tạng hình thành với bộ Bát thập Tụng luật (Tụng lặp đi lặp lại 80 lần về những điều giới luật mà đức Phật đã nói trước đó); Tại đây, Tôn giả Ca Diếp quyết định không thêm hay không bỏ những điều gì cả; Điều này cho thấy ngài Ca Diếp muốn dập tắt ý nghỉ của vị Tỳ kheo trước đây vui mừng khi hay đức Phật nhập diệt. Chúng ta phải hiểu như vậy để thấy rằng, trong luật Ngũ Phần điều 22 có quy định: Những điều gì không phù hợp với đời sống hiện đại thì có thể thay đổi, những điều không được ghi trong giới luật mà có liên quan đến sự tiến bộ của tập thể, làm phát triển xã hội thì nên làm. Chúng ta phải làm sao cho giới luật luôn mới mẻ, sinh động; Giữ giới mà không bị trói buộc, không thấy gò bó, thúc ép đó mới là điều tối quan trọng cho chư Tỳ kheo hiện tại. Muốn vậy, vị Tỳ Kheo phải nắm vững Tánh và Giá của Giới để hành trì có hiệu quả. Quý vị lưu ý, trong Luật tạng ghi lại, giới đầu tiên đức Phật chế định cho hàng Thanh văn là giới Dâm; Dâm dục là nguyên nhân dẫn đến luân hồi sinh tử. Giới này chế định đối với Tỳ kheo tuổi đủ 20. Nếu xét về tâm sinh lý, lúc này con người phát triển và có nhiều ham muốn và rất khó giữ gìn. Đức Phật dạy muốn ra khỏi sanh tử phải từ bỏ ái dục. Nếu còn ái dục mà muốn giải thoát chẳn khác nào nấu cát mà muốn thành cơm. Điều này quý vị phải luôn ghi nhớ. Đoàn thể Tăng già là một đoàn thể đẹp, là nơi mọi người quy kính, tôn trọng, cho nên vị làm tổn hại đến Tăng đoàn, trở ngăn quả chứng, làm những điều khiến thế nhân chê bai, đều là phạm trọng tội. Đức Phật cũng vì ba vấn đề này mà chế định giới luật Nói về Tánh giới thì bản tánh là ác, cho nên Phật không khai cho hàng Tỳ kheo Thanh văn, vì lộ trình tu tập của Tỳ kheo Thanh văn là phải giải thoát một đời; Đối với hàng Bồ tát thì có khai, cho sám hối. Tuy nhiên đức Phật khai cho Thanh văn là nếu không giữ được thì hoàn tục. Tánh giới không khai, cho nên nó tồn tại xuyên suốt cả không gian và thời gian. Về Giá giới, bản chất không phải ác, nhưng đức Phật cũng cấm, vì hai điều sau: Nếu không cấm thì phạm Tánh giới; Và không cấm thì gây hiểu lầm, tạo cơ hiềm cho mọi người. Giá giới có thời hạn nên không xuyên suốt không gian và thời gian, nghĩa là nó được thay đổi theo từng quốc gia, thời đại. Người giữ Luật phải biết Tánh giới và Giá giới để vận dụng linh hoạt trong quá trình hành đạo. Trong luật Tỳ kheo giá giới rất nhiều, và như vậy chúng ta có thể thay đổi theo quốc độ và thời gian. Tuy vậy chúng ta không được lợi dụng điều này mà làm xấu quấy, làm trở ngăn thánh đạo, làm mất uy tín Tăng đoàn, mất sự đoàn kết, gây trở ngại tiến bộ xã hội. Nếu như chúng ta nắm vững để vận dụng thì giới luật luôn mới và rất cần cho xã hội với mọi thời đại. Nói về phần Tác trì, là cách thức để tác thành vị Tỳ kheo như pháp, là phương thức để xây dựng các cá nhân hiền thiện, từ đó dẫn đến xây dựng xã hội tốt đẹp. Pháp Yết ma rất quan trọng. Trong đoàn thể Tăng già không thể không có pháp Yết ma. Có rất nhiều pháp Yết ma liên quan đến các Phật sự được sử dụng trong đoàn thể Tăng già như Truyền giới, An cư, Tự tứ, …

Có năm hạng Luật sư (Đệ ngũ luật sư) để chúng Tăng nương tựa mà làm pháp Yết ma. Thế nào là đệ ngũ Luật sư? 1. Vị Tỳ-kheo nào đọc thuộc giới bổn từ đầu đến 30 xả đọa, thì gọi là đệ nhất Luật sư. 2. Vị Tỳ-kheo nào đọc thuộc giới bổn từ đầu đến Ni-tác-kỳ Ba-dật-đề, gọi là đệ nhị Luật sư. 3. Vị Tỳ-kheo nào đọc thuộc toàn cả giới bổn, gọi là đệ tam Luật sư. 4. Vị Tỳ-kheo nào đọc thuộc Nhị bộ luật (cả bên Tăng và bên Ni) gọi là đệ tứ Luật sư. 5. Vị Tỳ-kheo nào đọc thuộc Nhị bộ luật và thông hiểu rộng rãi, thì người An cư y theo vị đệ ngũ Luật sư này để trì Luật, gọi là đệ ngũ Luật sư. Trong pháp An cư, Tỳ kheo ni phải nương Tỳ kheo tác pháp An cư. Văn tác pháp An cư chư Ni phải bảo là nương vị đệ Ngũ luật sư, tức là nương vào vị Hòa Thượng cao niên được đề cử chứ không phải nương vào vị Ni Trưởng mà được. Pháp An cư có Tiền an cư và Hậu an cư, đó là do từng quốc độ y theo thời tiết mà quy định; Trong Luật tạng, Đức Phật không quy định chi tiết tháng nào cả mà chỉ nêu là vào đầu mùa mưa. Mùa mưa thì ở các nước có khác, cho nên có việc tiền và hậu an cư. Nhưng dù tiền hay hậu an cư đều phải cấm túc đủ 3 tháng. Sau khi An cư xong phải có 4 việc cần làm đó là: tự tứ, giải kết giới, thọ y công đức và phân chia tài vật. Các việc này cũng theo pháp mà Yết ma cho đúng. Quý vị cũng cần lưu ý vấn đề này: Bên Tăng trong thời gian An cư không được ra khỏi cương giới quá 40 ngày; Bên Ni thì không được ra khỏi cương giới quá 7 ngày. Ngày nay có nhiều vị An cư nhưng nhìn lại toàn ở bên ngoài cương giới, như vậy là không đúng. Tôi rất mong quý vị lưu tâm một điều: Việc Truyền giới trong Tăng đoàn là tối quan trọng, không có việc gì lớn hơn việc mở Đại giới đàn, vì đây là huyết mạch để duy trì chánh pháp tại thế gian. Ngày nay dường như chúng ta không thấy điều này, giới đàn mở rất nhiều ở khắp nơi nhưng không chú trọng đến vấn đề đắc giới của giới tử. Trong luật dạy, có 3 loại Tỳ kheo đáng quý: Một là thời đức Phật tại thế có Thiện lai Tỳ kheo; Hai là Phá kiết sử Tỳ kheo, là vị phá được Kiến và Tư hoặc; Ba là Đắc Giới thể Tỳ kheo. Chúng ta phải chú trọng việc này. Giới Tỳ kheo rất khó đắc. Thời này đắc giới Tỳ kheo chỉ có Bạch Tứ yết ma; Chính vì vậy pháp Yết ma tại các kỳ truyền giới là rất quan trọng, vị chịu trách nhiệm trong công việc này phải thành thạo, ngôn từ nói rõ ràng, rành mạch. Khi đăng đàn Thọ giới không được quá 3 vị. Nếu chúng ta tổ chức giới đàn mà giới tử không đắc giới thì khác nào chúng ta đang đưa giặc vào trong Tăng đoàn, góp phần làm cho Phật pháp suy vong. Bồ tát đắc giới với Phật, Thanh văn đắc giới với Tăng. Vì vậy, khi truyền giới Thanh văn phải có vách ngăn giữa Phật và Tăng. Khi yết ma truyền giới cho Tỳ kheo rồi thì cho các vị đó ra khỏi cương giới của giới trường. Sau khi làm pháp Yết ma xong rồi mới gọi trở vào để truyền y bát. Bản thể của Tỳ kheo ni đắc giới giữa hai bộ Tăng, cho nên tại hai bộ Tăng chúng ta cũng theo nghi thức là Yết ma mỗi lần 3 vị, như thế mà thực hành.  Giữa xã hội đang tiến bộ và phát triển như ngày nay, tôi rất mong quý vị hãy cố gắng từng phút, từng giây giữ gìn chánh niệm, nghiêm trì giới luật để làm cho Phật pháp xương minh, chánh pháp lưu truyền và tồn tại, mang lại lợi ích thiết thực tại cuộc đời này. Chúc chư Tăng ni thành tựu phước duyên, viên thành hạnh nguyện. Sau đây là một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

Ban TTTT Phật giáo tỉnh Tiền Giang

Download Android Download iOS
Đồng Nai: Trang nghiêm Khai mạc Đại Giới đàn Đạt Thanh PL.2568 - DL.2024

PSO - Sáng ngày 26/4/2024 (nhằm ngày 18/3 năm Giáp Thìn), tại chùa Tỉnh Hội (Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai) Giới trường Đại Giới đàn Đạt Thanh, Ban Tổ Chức đã trang nghiêm long trọng tổ chức lễ Khai mạc Đại Giới đàn mang Tôn hiệu Đạt Thanh PL.2568 - DL.2024. Dưới sự chứng minh của Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN, cùng chư Tôn đức lãnh đạo các cấ

Long An: Lễ khởi công xây dựng cầu Rạch Gần 2, xã An Ninh Tây

PSO - Ngày 26/4/2024 (nhằm ngày 18/3 năm Giáp Thìn), BTS GHPGVN huyện Đức Hòa phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ huyện, Hội nạn nhân chất độc màu da cam huyện và UBND xã An Ninh Tây long trọng tổ chức lễ khởi công cầu Rạch Gần 2 tọa lạc ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Hải Phòng: Chương trình Vườn Ươm tặng 768 đầu sách tại chùa Linh Quang

PSO - Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc đọc sách.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

Điện thoại: 0982760624 (TT. Thích Minh Nhẫn)

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online